(TN&MT) Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin địa hình - thủy văn cơ bản phục vụ phòng chống lũ lụt và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long” do Trung tâm Viễn thám Quốc gia - Bộ TN&MT làm chủ đầu tư sau gần 5 năm thực hiện đã hoàn tất. Đây là một trong những dự án lớn áp dụng nhiều công nghệ hiện đại trong lĩnh vực đo đạc bản đồ, quản lý dữ liệu, hệ thống thông tin địa lý và hệ thống thủy văn để xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống vận hành, khai thác phục vụ đa mục tiêu, phục vụ giám sát, dự báo, cảnh báo ngập lụt, điều hành phòng chống lũ lụt hàng năm; phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội khu vực, quản lý tài nguyên thiên nhiên bảo vệ môi trường; quản lý lãnh thổ và hành chính các cấp về lâu dài. Tại lễ tổng kết dự án ngày 26/6, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức cho rằng, với những kết quả của Dự án, đồng bằng sông Cửu Long trở thành khu vực có hệ thống dữ liệu về địa hình - thủy văn với mức độ đầy đủ, chi tiết và độ chính xác cao nhất cả nước hiện nay. Sản phẩm chính của Dự án bao gồm: Cơ sở dữ liệu về hệ thống bản đồ nền địa hình tỷ lệ 1/5000 trong hệ tọa độ quốc gia VN2000, với các lớp thông tin (cơ sở toán học, thủy văn, giao thông, dân cư, thực phủ và địa giới hành chính), cơ sở dữ liệu bình đồ ảnh số (ảnh hàng không, ảnh vệ tinh Quickbird) tỷ lệ 1/5.000, cơ sở dữ liệu về mô hình số độ cao (DEM) độ chính xác 0,2 m đối với khu vực có nguy cơ ngập lụt và độ chính xác 0,4 m đối với khu vực còn lại, đặc biệt là đối với các dạng vi địa hình, như đường giao thông, công trình thủy lợi, đê bao, bờ kinh rạch, mương, đường bao khu dân cư; cơ sở dữ liệu về hệ thống mặt cắt sông với việc hoàn thành 2.371 mặt cắt ngang (tương đương với 1.160 km) và 569 mặt cắt dọc (tương đương với 3.363 km); cơ sở dữ liệu về mạng lưới độ cao hạng III được bình sai trong hệ thống độ cao mới. Các công cụ quản trị và hỗ trợ khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu, bao gồm hệ thống phần mềm quản trị; hệ thống phân tích, xử lý và mô hình hóa dữ liệu phục vụ giải các bài toán về quy hoạch và phòng chống lũ lụt; phần mềm dự báo, cảnh báo ngập lụt...; hệ thống tra cứu, tổng hợp thông tin và phân phối dữ liệu trên mạng diện rộng Intranet/Internet. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng được một cơ sở dữ liệu địa lý trên một phạm vi rộng lớn có tính đồng bộ và độ chính xác tuân theo các chuẩn mực công nghệ tiên tiến trên thế giới. Vì vậy, việc vận hành khai thác bộ cơ sở dữ liệu này hứa hẹn sẽ đáp ứng các yêu cầu đa mục tiêu. Tuy nhiên, tới đây, vẫn cần tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu địa hình - thuỷ văn ĐBSCL. Cụ thể, bổ sung hoàn thiện các dữ liệu mới đối với các khu vực tư liệu ảnh đã cũ và các khu dân cư đô thị, nông thôn; chuyển đổi cơ sở dữ liệu theo chuẩn Quốc gia; vận hành cơ sở dữ liệu phục vụ trực tiếp công tác phòng chống lũ lụt theo mô hình GIS-HIS động; khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL; xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp đa mục tiêu; đào tạo chuyển giao công nghệ và hình thành trung tâm quản trị và vận hành cơ sở dữ liệu. Được biết, toàn bộ dữ liệu của Dự án sẽ được chuyển về Trung tâm Dữ liệu Đo đạc Bản đồ Việt Nam. Các sản phẩm của Dự án sẽ được cấp cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long gồm: Lưới độ cao hạng III, mặt cắt các hệ thống sông, bình đồ ảnh tỷ lệ 1/5.000, bản đồ địa hình cơ sở dạng số tỷ lệ 1/5.000, mô hình số độ cao, cơ sở dữ liệu địa hình - thủy văn cơ bản của từng tỉnh, thành phố trong khu vực, các phần mềm khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu Mai Dung
|