Tin hoạt động IHO |
NGÀY KHÍ TƯỢNG THẾ GIỚI 2021: “ĐẠI DƯƠNG, THỜI TIẾT VÀ KHÍ HẬU CỦA CHÚNG TA” |
|
Đăng 23/03/2021; xem 565 lượt; | |
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) là một Cơ quan chuyên ngành thuộc Liên Hợp quốc (UN) và là tiếng nói chính thức của UN về trạng thái khí quyển trái đất, sự tương tác của khí quyển với đại dương, khí hậu, phân bố nguồn nước. Tiền thân của WMO là Tổ chức Khí tượng quốc tế (IMO) được thành lập vào năm 1873. Đến năm 1950, WMO được thành lập trên cơ sở Công ước về Tổ chức Khí tượng Thế giới, được ký ngày 11 tháng 10 năm 1947, có hiệu lực vào ngày 23 tháng 3 năm 1950. Ngày 23 tháng 3 hàng năm được lựa chọn là Ngày Khí tượng thế giới. Các chủ đề được chọn cho Ngày Khí tượng Thế giới phản ánh các vấn đề thời tiết, khí hậu hoặc các vấn đề liên quan đến nước và nguồn nước. Đây là dịp tôn vinh những đóng góp của các cơ quan khí tượng thủy văn trên khắp thế giới đối với việc bảo vệ tính mạng và tài sản của con người trước sự tác động của thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn (KTTV). Ngày Khí tượng thế giới 23 tháng 3 năm 2021 được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phát động với chủ đề là “Đại dương, Thời tiết và Khí hậu của chúng ta”. Đại dương, bao phủ tới 70% diện tích của Trái đất, đóng vai trò rất quan trọng đối với hệ thống khí hậu và đời sống của chúng ta. Đại dương là nơi lưu giữ khoảng 90% nhiệt lượng được tiếp nhận từ Mặt trời và lưu lại Trái đất. Đại dương cũng là môi trường hình thành nên những cơn bão, nhiệt độ của Đại dương quyết định những cơn bão mạnh lên hay yếu đi, có vai trò rất lớn giúp chúng ta có thể dự báo, cảnh báo được những cơn bão và thông tin thiên tai đến từ bão. Với vai trò quan trọng trên, chủ đề của ngày Khí tượng thế giới năm nay cũng là thời điểm đánh dấu sự khởi động Thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc giai đoạn 2021-2030 với nhiều mục tiêu được đưa ra, đó là quản lý một cách bền vững các hệ sinh thái vùng bờ, bao gồm khả năng phục hồi của hệ sinh thái và quy hoạch không gian biển để giảm thiểu tác động của mực nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan, lũ lụt và xói sạt lở, cải thiện, cập nhật các giá trị tham chiếu cơ sở về điều kiện môi trường và nhận thức của công chúng; Chúng ta hướng tới việc quan trắc tích hợp và chia sẻ dữ liệu, bao gồm việc sử dụng vệ tinh, các hệ thống quan trắc cố định và di động, tất cả đều cung cấp thông tin cho việc quản lý dữ liệu chung và Hệ thống Quan trắc đại dương toàn cầu. Là một thành viên của WMO, ngành KTTV Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan, cam kết thúc đẩy các hoạt động quan trắc và nghiên cứu khoa học Đại dương, góp phần thực hiện cam kết mục tiêu chung của WMO về Thập kỷ Khoa học Đại dương của Liên hợp quốc: “Đại dương an toàn”, “đại dương thấu hiểu” và “đại dương tường minh”. Việt Nam đã và đang phối hợp cùng với WMO và các nước thành viên có những chương trình nghiên cứu, trao đổi thông tin để ngày càng nâng cao năng lực dự báo, nâng cao vai trò, vị thế của ngành KTTV Việt Nam. Nhân Kỷ niệm Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho Tổng cục KTTV và các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ Tài nguyên Môi trường triển khai lồng ghép các hoạt động hưởng ứng. Theo đó Ngày 23.3 sẽ diễn ra Lễ Phát động Hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới và Tọa đàm “Giám sát đại dương – Dự báo cảnh báo thiên tai phục vụ sinh kế biển”. Hoạt động ý nghĩa này được tổ chức trực tuyến từ Tổng cục Khí tượng Thủy văn đến 63 điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố. Với sự tham gia của các Bộ, ban, ngành đoàn thể, các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu và tác nghiệp khí tượng, thủy văn, hải văn, phòng chống thiên tai và các lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, đại diện các đại sứ quán, cơ quan tổ chức quốc tế, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các cơ quan báo chí, học sinh sinh viên các trường đại học đào tạo về KTTV, các doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức ngành KTTV trên toàn quốc. Hoạt động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới được Báo Tài nguyên và Môi trường đăng tải trên nền tảng truyền hình trực tuyến và chia sẻ trên kênh truyền thông và mạng xã hội tại các địa chỉ Trang thông tin chuyên ngành của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các trang website của Tổng cục KTTV, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên môi trường và các đơn vị trực thuộc với mong muốn được chia sẻ rộng khắp trên các phương tiện truyền thông đại chúng đến với cộng đồng xã hội. Đây là hoạt động có ý nghĩa kết nối các nhà dự báo cùng toàn thể xã hội chung tay cung cấp các dịch vụ dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo an toàn cho người và tài sản, cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức về KTTV đối với cộng đồng xã hội góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh cho Đất nước. Chủ đề Ngày Khí tượng thế giới năm 2021 là: “Đại dương, thời tiết và khí hậu của chúng ta”, nhằm kết nối đại dương, khí hậu và thời tiết trong hệ thống Trái đất. Đồng thời, vai trò của khoa học dự báo cảnh báo khí tượng thuỷ văn (KTTV), đặc biệt là quan trắc đại dương đã được nghiên cứu, ứng dụng và triển khai rất mạnh mẽ ở các quốc gia nhằm tăng cường bảo vệ tính mạng và tài sản trên biển cũng như quản lý vùng ven biển; mối tương tác giữa đại dương và khí hậu, thời tiết; đảm bảo an toàn trên biển và đất liền; quan trắc đại dương; dự báo thay đổi khí hậu; mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và các sáng kiến khác. WMO thực hiện các hoạt động để cải thiện tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn và ứng phó khẩn cấp với các hiểm hoạ môi trường như sự cố tràn dầu và hoá chất cũng như chất phóng xạ. Đặc biệt, dưới tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra và tác động đến các điều kiện tự nhiên làm cho các loại thiên tai ngày càng “dị thường hơn, cực đoan hơn” cả về tần suất lẫn cường độ, nhất là các thiên tai liên quan đến biển và đại dương. Do đó, đảm bảo an toàn trên biển và đất liền đang là vấn đề của toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, cần có sự phối hợp mạnh mẽ giữa các nước để đảm bảo việc quan trắc được diễn ra thường xuyên và bền vững. Ngoài việc ảnh hưởng đến địa lý của các khu vực khí hậu trên hành tinh, đại dương còn khiến khí hậu thay đổi trong khoảng thời gian hàng tuần đến hàng thập kỷ thông qua các dao động thường xuyên. Với việc nâng cao chất lượng giám sát đại dương, bầu khí quyển và các hiểu biết khoa học, các nhà khoa học ngày càng có thể xác định và dự báo những dao động này cũng như sự thay đổi của khí hậu và thời tiết. Trong bối cảnh dân số toàn cầu tăng lên nhanh chóng, nhu cầu về an toàn sinh mạng trển biển và hỗ trợ quản lý vùng ven biển ngày càng tăng. Vì vậy, làm rõ vai trò kết nối tổng thể của việc giám sát, dự báo khí tượng thủy văn, cũng như các dịch vụ cảnh báo sớm về lũ lụt và hạn hán là vấn đề vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản trên biển, thúc đẩy giao thông đường biển. Việc nâng cao chất lượng giám sát đại dương, bầu khí quyển và các hiểu biết khoa học, các nhà khoa học ngày càng có thể xác định và dự báo những dao động này cũng như sự thay đổi của khí hậu và thời tiết. Nguyễn Thế Long (ST) |
Tin khác
- Hai nhà khoa học của Mỹ và Nga được đặt tên cho các thực thể ngầm dưới đáy biển (00:00, 19/11/2021)
- Lễ ra mắt “Phòng thí nghiệm Công nghệ và cải tiến IHO-Singapore” tại Singapore (00:00, 18/11/2021)
- Trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực thủy đạc (00:00, 10/07/2021)
- KẾT QUẢ BẦU CỬ GIÁM ĐỐC THỦY ĐẠC QUỐC TẾ (00:00, 07/06/2020)
- Hướng dẫn mới của Tổ chức Thủy đạc quốc tế về dữ liệu không gian địa lý thủy đạc (00:00, 19/06/2020)