Tin hoạt động IHO

Những thách thức trong việc chuyển đổi dữ liệu hải đồ điện tử (ENC) từ S-57 sang S-101 

Đăng 08/02/2021;

Sau gần 30 năm sử dụng dữ liệu theo Tiêu chuẩn S-57 trong lĩnh vực hàng hải (từ tháng 5/1992), đã đến lúc cần có một tiêu chuẩn mới, linh hoạt hơn phù hợp với sự phát triển không ngừng của Khoa học và công nghệ, nhằm giải quyết các nhu cầu trong công tác hàng hải và phi hàng hải hiện nay, tuân thủ theo tiêu chuẩn về không gian địa lý quốc tế, tích hợp với hệ thống thông tin địa lý (GIS). Mặc dù Tiêu chuẩn S-101 “Tiêu chuẩn về Đặc điểm sản phẩm cho dữ liệu hải đồ điện tử” là một bước tiến lớn nhưng không tạo ra nhiều sự khác biệt so với Tiêu chuẩn S-57  khi vẫn giữ nhiều thuộc tính và các yếu tố nâng cao. Điều này làm cho các tập dữ liệu trở nên hữu ích trong hệ thống cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian, bao gồm hệ thống thông tin địa lý (GIS) và Hàng hải điện tử (e-Navigation).

Các nhà sản xuất Hệ thống hiển thị thông tin và hải đồ điện tử (ECDIS) sẽ cần phải tuân thủ theo Tiêu chuẩn mới và Cơ quan thủy đạc quốc gia cũng cần sản xuất sản phẩm ENC tuân thủ tiêu chuẩn đó. Có rất nhiều vấn đề kỹ thuật mà các cơ quan thủy đạc cần giải quyết trong việc bắt đầu chuyển đổi  từ sản phẩm S-57 sang S-101. Đối với các cơ quan thủy đạc quốc gia, điều này có nghĩa là ngoài việc tạo ra các sản phẩm mới đồng thời với sản phẩm cũ một cách hiệu quả, họ cũng phải hiểu cách mã hóa thông số kỹ thuật mới, cũng như cách quản lý, phân tích, sản xuất và xuất bản các sản phẩm này.

Tuy nhiên, một trong những thách thức mà cơ quan thủy đạc các quốc gia cần đối mặt đó là liệu họ có cần duy trì nhiều hơn một cơ sở dữ liệu để hỗ trợ đồng thời cả hai tiêu chuẩn hay không, ý tưởng tăng đôi việc sản xuất và duy trì hai danh mục sản phẩm riêng biệt có thể là một yếu tố cản trở quyết định tiếp tục sản xuất sản phẩm mới. Hệ thống sản xuất S-101 phải có khả năng giảm thiểu tối đa và cung cấp các phương thức để giữ các yêu cầu bổ sung này dễ dàng và tự động nhất có thể. Trong thời gian tới, sẽ không thể tránh khỏi việc cơ quan thủy đạc các quốc gia sẽ phải duy trì đồng thời dữ liệu của cả hai tiêu chuẩn (S57 và S-101), cũng như bắt đầu đào tạo nhân viên theo các cập nhật của Tiêu chuẩn S-101, điều này đồng nghĩa với việc khối lượng công việc sẽ phải tăng gấp đôi.

Khi cơ quan thủy đạc quyết định bắt đầu nắm bắt các đặc tính ở định dạng S-101 hoặc các đặc tính mới đối với định dạng đó, dữ liệu và thông tin cần thiết có thể được tập hợp lại với nhau trong một không gian làm việc tạm thời đối với những nội dung được yêu cầu để thực hiện nhiệm vụ cụ thể. Trên cơ sở nhu cầu của mình, cơ quan thủy đạc sẽ cần xác định cơ cấu hệ thống, số lượng cơ sở dữ liệu và quy trình sản xuất. Trong nhiều trường hợp, các thuộc tính giữa S-57 và S-101 có thể được xác định tự động. Tuy nhiên, có thể có các đối tượng hoặc mã hóa mới tồn tại trong S-101 mà không tồn tại trong S-57, các đặc tính trung gian có thể bị loại bỏ.

Việc có hai hệ thống sản xuất tách biệt sẽ làm tăng khối lượng công việc sản xuất lên ít nhất gấp 2 lần và sẽ là thách thức đối với bất kỳ cơ quan thủy đạc nào. Do vậy, một hệ thống sản xuất đơn lẻ với khả năng sản xuất dữ liệu kép từ cùng một bộ dữ liệu sẽ là cách tiếp cận được IHO khuyến nghị. Mặc dù một hệ thống sẽ giảm thiểu hiệu quả sự gia tăng khối lượng công việc, nhưng vẫn phải duy trì hai danh mục sản phẩm ENC và dữ liệu nguồn đó sẽ chuyển đến mỗi danh mục theo một cách khác nhau. Do Tiêu chuẩn S-101 là một tiêu chuẩn linh hoạt nên cơ quan thủy đạc các quốc gia sẽ phải sẵn sàng áp dụng các thay đổi của các phiên bản cập nhật ngay sau khi chúng được phê chuẩn.

Với sự ra đời của Tiêu chuẩn S-100 “Tiêu chuẩn mô hình dữ liệu thủy đạc toàn cầu” đang có ý nghĩa to lớn với Hệ thống GIS do tất cả các thông số kỹ thuật của sản phẩm phải tuân thủ các tiêu chuẩn ISO 19100 và TC211, làm cho các dữ liệu này có thể sử dụng được không chỉ phục vụ cho an toàn hàng hải mà còn cho phân tích không gian địa lý (GIS). Với những thay đổi mới này thì dữ liệu S-101 thực sự mở ra cánh cửa mới về tương lai của hàng hải điện tử cũng như nền tảng cho cơ sở dữ liệu không gian biển.

Tác giả: Nguyễn Thế Long

Tin khác