Biên giới - Địa giới

Bầu cử địa phương tại Đài Loan năm 2022: Kết quả và Tác động 

Đăng 13/12/2022;

Cuộc bầu cử địa phương năm 2022 của Đài Loan đã kết thúc vào ngày 26/11/2022, Đảng cầm quyền Dân chủ Tiến bộ (Đảng Dân Tiến/DPP) mất thêm một số ghế thị trưởng tại các địa phương. Kết quả này không quá bất ngờ, nó phản ánh tác động từ bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội Đài Loan và các diễn biến gần đây trong quan hệ hai bờ tới sự lựa chọn của cử tri. Bên cạnh đó, việc Đảng Dân Tiến và chính quyền của Tổng thống Thái Anh Văn thiếu đột phá chính trị, không có biện pháp điều chỉnh kịp thời trước các nhân tố mới xuất hiện đã gây bất lợi cho kết quả bầu cử.

Bối cảnh trước bầu cử 

Trên phương diện kinh tế, xã hội, năm 2022 kinh tế Đài Loan gặp nhiều khó khăn do tác động bởi các nhân tố như đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, xung đột tại Ukraina và suy giảm cung cầu toàn cầu. Hệ quả, giá nhiên liệu, lương thực, hàng hóa tiêu dùng tại Đài Loan đã tăng mạnh trong quý 2 và quý 3, trong khi chỉ số sản xuất PMI giảm thấp, như trong tháng 06/2022 là 49,8%. Dự kiến, tăng trưởng GDP của Đài Loan trong năm 2022 chỉ đạt 3,7%, thấp hơn rất nhiều so với con số 6,57% trong năm 2021.

Gần đây, Đài Loan cũng chịu tác động nặng bởi dịch bệnh Covid 19, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, đặc biệt ở độ tuổi từ 20 tới 24 lên tới 12,27%. Ngoài ra, hiện có tới 65% dân chúng Đài Loan dưới 40 tuổi đang có các khoản vay ngân hàng để chi trả cuộc sống. Kinh tế tăng trưởng thấp, đời sống khó khăn, khó tìm kiếm việc làm, chính phủ thiếu các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả đã là các nhân tố đã tác động xấu tới uy tín của đảng cầm quyền DPP và của Tổng thống Thái Anh Văn.    

Trên phương diện chính trị, trước khi bước vào “cuộc chiến bầu cử” mỗi đảng phái đều tổ chức nhiều cuộc vận động tại các đô thị lớn, tung ra các khẩu hiệu dân túy nhằm thu hút cử tri. Đảng Dân Tiến đã chọn chiến thuật tranh cử với khẩu hiệu “kháng Trung, bảo Đài”, gán sự ủng hộ của cử tri cho ứng viên của DPP là chiến thắng của Đài Loan trước Đại lục.[1] Trong khi đảng đối lập Quốc Dân Đảng sử dụng “Bài hiệu Tưởng gia”, đưa Tưởng Vạn An, hậu duệ của Tưởng Giới Thạch ra tranh cử vào chức thị trưởng Đài Bắc, kêu gọi cử tri có lựa chọn sáng suốt cho tương lai của nền dân chủ của Đài Loan.[2]

Trên phương diện quan hệ hai bờ, tình hình eo biển Đài Loan gần đây có nhiều diễn biến căng thẳng. Ngoài công bố Sách trắng “Vấn đề Đài Loan và sự nghiệp thống nhất Trung Quốc trong thời đại mới”, khẳng định bảo lưu biện pháp quân sự khi cần thiết, Trung Quốc còn nhiều lần tổ chức bắn đạn thật, cho tàu chiến, máy bay xâm nhập đường trung tuyến của phía Đài Loan nhằm gây sức ép an ninh. Trung Quốc còn đưa hơn 100 doanh nghiệp và hơn 3000 sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm của Đài Loan vào danh sách cấm vận để tạo sức ép kinh tế.

Cùng với bối cảnh nêu trên, nhân tố Mỹ cũng làm quan hệ hai bờ thêm căng thẳng. Trong khi khẳng định duy trì chính sách “một Trung Quốc”, Tổng thống Mỹ Biden cũng tuyên bố có hành động bảo vệ Đài Loan nếu Đại lục sử dụng vũ lực. Ngoài ra, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosy thăm Đài Bắc, đàm phán Sáng kiến Thương mại Mỹ-Đài thế kỷ 21, phê duyệt hợp đồng bán vũ khí trị giá 1,1 tỷ USD cho Đài Loan, đề nghị Đài Loan tham gia “Nhóm Chip 4”. Thượng viện Mỹ còn tìm cách thúc đẩy thông qua Dự luật Chính sách Đài Loan, coi Đài Loan như một đồng minh ngoài NATO. Những bước đi này của Mỹ nhằm biến Đài Loan thành một mắt xích trong Sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) đã thách thức các “giới hạn đỏ” của Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải có các hành động đáp trả, làm gia tăng áp lực chiến tranh, khó khăn kinh tế, chính trị và xã hội của Đài Loan.

Diễn biến và kết quả bầu phiếu

Trong cuộc bầu cử địa phương Đài Loan năm nay, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu chỉ đạt 61%, thấp hơn khoảng 5% so với các cuộc bầu cử địa phương trước đây. Kết quả kiểm phiếu cuối cùng ngày 26/11 được công bố đã cho thấy, Đảng Dân Tiến (DPP) tiếp tục gặp phải một “thất bại tồi tệ” tương tự cuộc bầu cử địa phương năm 2018.[3] Theo đó, DPP chỉ đạt 4,74 triệu phiếu bầu, ít hơn 960 ngàn phiếu so với đối thủ Quốc Dân Đảng. Hệ quả, các ứng cử viên của DPP thất bại tại bốn địa bàn quan trọng nhất, gồm Đài Bắc, Tân Đài Bắc, Đài Trung, Cao Hùng, chỉ giành được chiến thắng tại 5/22 địa phương thứ yếu khác. Ngoài ra, các ứng viên của DPP cũng chỉ giành được 277 ghế ủy viên lập pháp tại các địa phương so với con số 367 của KMT.

Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, Chủ tịch Đảng Dân tiến đã tuyên bố nhận trách nhiệm, từ chức chủ tịch DPP. Tuy nhiên, bà Thái Anh Văn tiếp tục là lãnh đạo Đài Loan cho đến cuộc bầu cử Tổng Thống Đài Loan vào năm 2024.

Bình luận về kết quả cuộc bầu cử địa phương tại Đài Loan, bà Chu Phong Liên, Phát ngôn viên Văn phòng Công tác Đài Loan thuộc Quốc Vụ viện Trung Quốc khẳng định, “hầu hết người dân Đài Loan coi trọng hòa bình, ổn định và một cuộc sống tốt đẹp”. Bà Chu Phong Liên cũng nhấn mạnh, Trung Quốc “kiên quyết phản đối Đài Loan độc lập”, cũng như phản đối sự can thiệp của bên ngoài vào vấn đề Đài Loan.

Nguyên nhân thất bại của Đảng Dân Tiến

Kết quả kiểm phiếu vừa qua làm nảy sinh nhiều tranh luận tại cả Đài Loan và bên ngoài, trong đó nhiều ý kiến cho rằng Đảng Dân tiến gặp thất bại tại cuộc bầu cử địa phương lần này do các nguyên nhân chính như:  

Thứ nhất, DPP đã “đọc vị sai” phản ứng của cử tri. Theo truyền thống, kết quả các cuộc bầu cử thị trưởng, ủy viên hội đồng lập pháp địa phương Đài Loan thường chịu tác động bởi ảnh hưởng của các vấn đề gắn với đời sống dân sinh, như việc làm, thu nhập, phúc lợi xã hội, giá cả tiêu dùng, nhà ở và năng lượng. Trong khi vấn đề quan hệ hai bờ, diễn biến tình hình eo biển Đài Loan lại không phải là mối quan tâm hàng đầu của các cử tri hiện nay. Trong khi đó do không đánh giá đúng tình hình, Đảng Dân Tiến vẫn quá lạm dụng việc kêu gọi cử tri Đài Loan sử dụng cuộc bầu cử để thể hiện thái độ với Bắc Kinh, cho thế giới thấy nền dân chủ Đài Loan không bị khuất phục trước trước sức ép và các hành động đe dọa của Đại lục. Như việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định tại Đại hội 20, Trung Quốc bảo lưu cả biện pháp quân sự khi cần thiết trong quá trình xử lý vấn đề Đài Loan, thống nhất đất nước. 

Nhận định về kết quả bầu cử và sự thất bại của Đảng Dân tiến, chuyên gia chính trị thuộc Chương trình Nghiên cứu Đài Loan, Đại học Quốc gia Australia, ông Tống Văn Địch cho rằng, sau chuỗi căng thẳng do chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Bắc hồi cuối tháng 8/2022, hiện cử tri Đài Loan đã “trở nên thờ ơ” với mối đe dọa quân sự từ Đại lục. 

Ở phía ngược lại, đối thủ của Đảng Dân Tiến là đảng đối lập Quốc Dân Đảng (KMT) đã tận dụng vấn đề khó khăn kinh tế, kiến tạo việc làm, việc chính phủ của bà Thái Anh Văn thiếu biện pháp hiệu quả trong kiểm soát đại dịch Covid-19 để vận động tuyên truyền. Chiến thuật này đã góp phần giúp các ứng cử viên của KMT có thêm sự ủng hộ của các cử tri. 

Thứ hai, Đảng Dân Tiến để mất sự ủng hộ của giới trí thức trẻ đô thị. Sau cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan năm 2020, sự ủng hộ đối với DPP từ nhiều cử tri tốt nghiệp đại học cư trú tại các đô thị đã có sự biến động và thay đổi. Bên cạnh đó, tỷ lệ cử tri Đài Loan đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử địa phương lần này tại 6 thành phố lớn của Đài Loan cũng tụt giảm so với năm 2018, gây ảnh hưởng tới số phiếu bầu bỏ cho các ứng cử viên của DPP. 

Thứ ba, hậu quả từ các vụ bê bối bằng cấp của ứng viên DPP. Trong thời gian ngắn trước khi diễn ra bầu cử, nhiều hãng truyền thông của Đài Loan đã đăng tải thông tin về vấn đề bằng cấp học thuật của một số ứng cử viên DPP. Như vụ việc của ứng cử viên DPP tranh cử chức Thị trưởng thành phố Đào Viên, ông Lâm Trí Kiên bị kiện đạo văn đã gây ảnh hưởng nghiệm trọng với hình ảnh của DPP. Dù sau đó DPP đã loại ứng cử viên này khỏi danh sách tranh cử, và một số ứng cử viên của các đảng phái khác cũng bị phát hiện có vấn đề  tương tự, nhưng DPP vẫn là bên chịu thiệt hại lớn nhất về uy tín.

Thứ tư, Đảng Dân Tiến chịu tác động bất lợi bởi các biện pháp tuyên truyền của Đại lục. Nếu so sánh với năm 2018, số lượng thông tin sai lệch liên quan tới bầu cử địa phương Đài Loan từ các nhóm xã hội thân Đại lục tung ra có xu hướng giảm. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của Đài Loan, như Cục Điều tra, Văn phòng Công tố Đài Bắc vẫn phát hiện nhiều trường hợp đưa tin sai lệch nhằm tác động kết quả bầu cử có dấu hiệu liên quan tới Đại lục. Như các video clip do công ty Trung Hoa Vi kiến (中華微視公司) tại Cao Hùng đưa ra có nội dung kích động chia rẽ, làm mất lòng tin của cử tri với chính phủ của Tổng thống Thái Anh Văn. Điều này đã tác động nhất định tới tâm lý cử tri, bây bất lợi cho DPP.

Tác động với các bên liên quan

Đối với quan hệ hai bờ, bầu cử địa phương của Đài Loan ít có tác động lớn và trực tiếp. Chiến thắng thuộc về Quốc Dân Đảng và một số đảng phải mới có quan điểm mềm mỏng, ủng hộ gắn kết giao thương kinh tế chặt chẽ hơn với Đại lục không phải là dấu hiệu cho thấy người Đài Loan thay đổi thái độ với Trung Quốc Đại lục. Kết quả này cũng không phải là dấu hiệu về một sự thay đổi lớn trong chính sách Trung Quốc của các đảng phái Đài Loan.

Phát biểu sau chiến thắng, Chủ tịch Quốc dân Đảng Chu Lập Luân khẳng định, chúng tôi sẽ “kiên quyết bảo vệ Trung Hoa Dân Quốc”, bảo vệ nền dân chủ và tự do của Đài Loan, làm việc chăm chỉ để giữ hòa bình trong khu vực. Phát biểu này của lãnh đạo Quốc Dân Đảng cho thấy, khó có sự thay đổi lớn trong chính sách của KMT đối với quan hệ hai bờ, khiến các diễn biến an ninh, chính trị tại eo biển Đài Loan giảm bớt căng thẳng. 

Với quan hệ giữa Đài Loan và Mỹ, kết quả bầu cử cũng khó tạo ra ảnh hưởng đáng kể có thể làm thay đổi chiều hướng quan hệ chặt chẽ giữa Đài Bắc và Washington. Như trong một diễn biến mới, ngày 14/9, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua Dự luật Chính sách Đài Loan, mở đường viện trợ cho Đài Loan 4,5 tỷ USD nhằm đảo bảo an ninh trong vòng 4 năm tới. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cam kết hậu thuẫn tối đa hỗ trợ Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế, áp dụng các biện áp đặt trừng phạt nếu Trung Quốc có  động thái quân sự đe dọa tấn công Đài Loan.

Khi quan hệ Mỹ-Trung còn tiếp tục diễn biến căng thẳng, cạnh tranh chiến lược và ngăn chặn công nghệ gia tăng, Mỹ sẽ càng tìm cách sử dụng nhân tố Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc. Việc Mỹ đưa Đài Loan tham gia vào nhóm CHIP 4, coi Đài Loan như một mắt xích quan trọng trong Sáng kiến Indo-Pacific là một ví dụ.

Đối với Trung Quốc, kết quả bầu cử tại Đài Loan cho thấy hành động gây sức ép an ninh, trừng phạt kinh tế, tuyên truyền tác động xã hội của Trung Quốc với cuộc bầu cử tại Đài Loan chưa tạo ra chuyển biến lớn có thể thay đổi cục diện quan hệ hai bờ. Điều này đòi hỏi Đại lục sẽ phải có các điều chỉnh thích hợp trong chính sách hai bờ, nỗ lực hơn nếu muốn thấy kết quả cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan năm 2024 như mong muốn.

Đánh giá về khả năng hành động tiếp theo của Trung Quốc với bầu cử năm 2024, Học giả Diệp Diệu Nguyên thuộc Đại học St. Thomas tại Houston cho rằng, kết quả bầu cử vừa qua có thể sẽ khuyến khích Bắc Kinh tăng cường sử dụng chiến tranh thông tin. Theo đó, Bắc Kinh sẽ có thêm các biện pháp tác động nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri Đài Loan với các ứng cử viên thuộc các đảng phái có xu hướng thân thiện hơn với Trung Quốc. Theo học giả này, diễn biến của cuộc bầu cử tiếp theo tại Đài Loan rất đáng quan quân, vì có tác động lớn đối với quan hệ hai bờ nếu Đài Loan có tổng thống mới không phải là người của Đảng Dân Tiến.

Với cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan năm 2024, kết quả cuộc bầu cử địa phương vừa qua là một kinh nghiệm thất bại giá trị cho Dân tiến Đảng, buộc DPP phải có các điều chỉnh giành lại ảnh hưởng trong tương lai. Tuy nhiên, thực tế tại 8 cuộc bầu cử địa phương của Đài Loan trong vòng 20 năm qua, DPP cũng chỉ 3 lần giành chiến thắng. Như việc DPP gặp thất bại trong cuộc bầu cử địa phương năm 2018, nhưng lại giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan năm 2020. Kết quả DPP có được tại thời điểm năm 2020 là nhờ các phát biểu cứng rắn của bà Thái Anh Văn khi mạnh mẽ cam kết chống lại áp lực của Trung Quốc Đại lục, bảo vệ các quyền tự do của Đài Loan. 

Trong một cuộc thăm dò xã hội do Đại học Chính trị Đài Loan tiến hành trong tháng 07/2022, tỷ lệ dân chúng Đài Loan ủng hộ Quốc dân Đảng đã giảm thấp ở mức kỷ lục, chỉ còn 14%. Trong khi đó, Đảng Dân Tiến vẫn giành được 31%, riêng đối với bà Thái Anh Văn là khoảng 45%. Đây là tỷ lệ ủng hộ rất cao đối với một tổng thống đã ở cuối nhiệm kỳ hai, và nó cho phép bà Thái Anh Văn dùng ảnh hưởng cá nhân để tạo sự ủng hộ của cư tri với ứng cử viên của DPP tại cuộc bầu cử năm 2024.  

Kết quả của cuộc bầu cử địa phương vừa qua tại Đài Loan với sự thất bại của Đảng Dân Tiến ít có khả năng làm thay đổi chính sách của các bên, khó tạo ra một sự hòa hoãn, êm dịu đột biến tại eo biển Đài Loan. Kết quả này cũng khó làm thay đổi chính sách của Mỹ với Đài Loan khi chính quyền của Tổng thống Biden đang tăng cường kéo Đài Loan vào mắt xích bao vây, kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên, việc bà Thái Anh Văn nhận trách nhiệm bầu cử, từ chức Chủ tịch Đảng Dân Tiến có thể làm suy giảm ảnh hưởng của DPP. Điều này làm cho diễn biến và kết quả cuộc bầu cử tống thống Đài Loan năm 2024, sau đó là quan hệ hai bờ và diễn biến tình hình Biển Đông, trong đó có eo biển Đài Loan thêm phần khó nắm bắt, đòi hòi có sự kiềm chế, hợp tác của các bên nhằm duy trì một cục diện hòa bình, ổn định cho khu vực.

Nguyễn Thế Long (ST)

Tin khác