Biên giới - Địa giới |
Đối thoại Biển lần thứ 9: Hợp tác nghiên cứu khoa học biển hướng tới xây dựng lòng tin và tạo dựng môi trường bền vững |
|
Đăng 18/10/2022; | |
Đối thoại biển lần này tiếp tục được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của gần 200 đại biểu quốc tế và trong nước là các chuyên gia hàng đầu khu vực, đại diện của các cơ quan Trung ương và địa phương, các cơ quan nghiên cứu học thuật chuyên ngành trong và ngoài nước, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam. Với chủ đề về nghiên cứu khoa học biển, Đối thoại đã thu hút được nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi, có giá trị xoay quanh khả năng tìm kiếm một cơ chế và khuôn hình cho hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển ở khu vực Biển Đông trong tương lai. Trong vòng một ngày, Đối thoại đã tập trung vào thảo luận nhiều vấn đề xoay quanh lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển, bao gồm: (i) các khuôn khổ pháp lý về nghiên cứu khoa học biển theo UNCLOS – 1982; (ii) thực tiễn quốc tế về nghiên cứu khoa học biển; (iii) thực tiễn khu vực về nghiên cứu khoa học biển; (iv) các thách thức và khuyến nghị chính sách về nghiên cứu khoa học biển tại các khu vực tranh chấp. Điều 123 của UNCLOS kêu gọi các quốc gia xây dựng các thỏa thuận song phương và đa phương về nghiên cứu khoa học biển. Tuy nhiên, những thay đổi nhanh chóng trong hoạt động của con người và các công nghệ mới ở Biển Đông đã tạo ra những áp lực lên UNCLOS - khuôn khổ pháp lý vốn ra đời trước các phát triển mới này. Trong bối cảnh các quốc gia đang thường xuyên triển khai công nghệ hàng hải mới, trong một số trường hợp, chức năng lưỡng dụng của những công nghệ này cũng tạo ra những thách thức mới trong diễn giải quy chế pháp lý của hoạt động nghiên cứu khoa học biển theo UNCLOS. Chính vì vậy, trong Phiên 1, các chuyên gia pháp lý và các nhà khoa học biển đã tập trung vào thảo luận và đánh giá về vai trò của UNCLOS đối với hoạt động nghiên cứu khoa học biển hiện nay cũng như cách thức để đảm bảo và duy trì vai trò quản trị đại dương của UNCLOS. Các chuyên gia pháp lý thảo luận tại Đối thoại Các chuyên gia pháp lý đã phân biệt khái niệm và bản chất của hoạt động nghiên cứu khoa học biển với các hoạt động có liên quan và đồng quan điểm cho rằng, hiện nay chưa có định nghĩa chính xác về hoạt động nghiên cứu khoa học biển theo UNCLOS. Tuy vậy, theo GS David M. Ong, Đại học Nottingham Trent (Vương Quốc Anh) điểm mấu chốt là UNCLOS vẫn hoàn toàn phù hợp với việc quản lý đại dương và vẫn đóng vai trò trung tâm trong hoạt động nghiên cứu khoa học biển. Do đó, các chuyên gia đề xuất, từ góc độ pháp lý, các quốc gia cần tiếp tục (i) thúc đẩy thực hiện UNCLOS trong quản trị đại dương; (ii) tạo ra các cơ chế không chính thức hoặc “luật mềm” để tạo khuôn khổ cho hoạt động của các bên liên quan trên Biển Đông; (iii) nên đưa ra định nghĩa rõ ràng về bản chất của hoạt động nghiên cứu khoa học biển thông qua các chương trình hợp tác nghiên cứu, chia sẻ thông tin một cách minh bạch và rõ ràng. Trên cơ sở làm rõ khuôn khổ pháp lý của hoạt động nghiên cứu khoa học theo UNCLOS, Phiên thứ hai và phiên thứ ba tiếp tục đi sâu thảo luận về thực tiễn quốc tế và thực tiễn khu vực về nghiên cứu khoa học biển nhằm gợi ý các đề xuất, ý tưởng về hợp tác nghiên cứu khoa học ở Biển Đông. Các diễn giả trình bày tại Đối thoại Nhằm giải quyết những khoảng trống trong nhận thức của thế giới về hệ sinh thái đại dương, Liên Hợp Quốc đã tuyên bố thập niên 2021-2030 là Thập kỷ Khoa học Đại dương vì Sự phát triển bền vững. Đồng thời, Liên Hợp Quốc hướng tới xây dựng ngành khoa học đại dương cho phép “cách tiếp cận mang tính khu vực từ dưới lên”. Những đổi mới này nhằm tạo ra các mô hình hợp tác giữa các quốc gia về nghiên cứu khoa học biển. Và thực tiễn trên thế giới hiện nay đã có nhiều mô hình hợp tác đang được triển khai, áp dụng như Dự án chia sẻ thông tin về hành trình nghiên cứu khoa học của các tàu lặn trong khuôn khổ Dự án hợp tác biển Simons (Simons Collaborative Marine Atlas Project), mô hình Trạm không gian quốc tế (International Space Station), Công viên Hoà bình Biển (Marine Peace Park), Chương trình thám hiểm khoa học đa quốc gia. Đây đều là những mô hình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học biển được áp dụng triển khai thành công ở nhiều khu vực với sự tham gia của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Các diễn giả tại Đối thoại Tham khảo kinh nghiệm từ những mô hình và thực tiễn quốc tế này, các diễn giả tại Đối thoại biển lần thứ 9 cho rằng, những mô hình này hoàn toàn có thể được áp dụng ở khu vực Biển Đông. Những ý tưởng như thành lập các đoàn thám hiểm khoa học đa quốc gia giúp các quốc gia đều có thể đóng góp nguồn lực, trang thiết bị hay nền tảng chuyên môn khác nhau; đề xuất về xây dựng cơ chế khu vực để tham vấn, hợp tác và thúc đẩy nghiên cứu khoa học biển hay ý tưởng thành lập Công viên Hoà bình biển tại Trường Sa đều là những đề xuất, ý tưởng khả thi. Điều quan trọng là, các diễn giả nhấn mạnh, các sáng kiến hay ý tưởng về hợp tác khoa học biển ở khu vực Biển Đông nên có sự tham gia của nhiều quốc gia dưới những hình thức khác nhau để cùng đóng góp cho hoạt động hợp tác chung nhằm hướng tới phát triển môi trường biển bền vững. Các diễn giả tại Đối thoại Mặc dù triển vọng hợp tác nghiên cứu khoa học biển trong khu vực Biển Đông được đánh giá là khả quan, song tình trạng mất lòng tin giữa các quốc gia ven biển bắt nguồn từ tranh chấp lãnh thổ là một trong những nhân tố đang cản trở hợp tác sâu rộng trong các hoạt động nghiên cứu khoa học biển. Đơn cử như những diễn giải khác nhau về khái niệm nghiên cứu khoa học biển, nội hàm của hoạt động này hay những ý kiến trái chiều giữa các bên yêu sách về tính hợp pháp của các hoạt động nghiên cứu khoa học biển đều có thể dẫn đến căng thẳng. Trong một số trường hợp, các cuộc khảo sát khoa học cũng gây ra quan ngại về khả năng lợi dụng các hoạt động giám sát, quan sát để phục vụ các mục đích quân sự như trinh sát, thu thập thông tin tình báo về các cơ sở và tàu quân sự nước ngoài. Chính vì vậy việc thúc đẩy xây dựng lòng tin giữa các bên trong khu vực Biển Đông để tiến tới hợp tác trong tương lai là điều hết sức quan trọng. Các diễn giả tại Đối thoại lần thứ 9 nhấn mạnh rằng, để thúc đẩy hợp tác về nghiên cứu khoa học biển, các nước cần lưu ý rằng, “khoa học” kết hợp với “pháp lý” phải là yếu tố cần được đặt lên hàng đầu. Một số đại biểu thảo luận tại Đối thoại Phát biểu bế mạc tại Đối thoại, TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao cảm ơn sự quan tâm và ủng hộ từ các nhà đồng bảo trợ đối với việc tổ chức sự kiện lần này. Ông cũng đánh giá cao sự tham gia tích cực và nhiệt tình của các đại biểu trực tiếp và trực tuyến. Các ý kiến trao đổi khoa học, thẳng thắn và các đề xuất kiến nghị thu nhận tại Đối thoại sẽ góp phần vào việc xây dựng khu vực Biển Đông hoà bình, ổn định và phát triển. Nguyễn Thế Long (ST) |
Tin khác
- Giải quyết hiệu quả ranh giới địa giới hành chính cấp tỉnh (16:34, 13/09/2021)
- Hoàn thành xác định đường địa giới hành chính cấp tỉnh (18:43, 13/09/2021)
- Hoàn thành xác định đường địa giới hành chính cấp tỉnh do lịch sử để lại (18:48, 13/09/2021)
- Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục hoàn thiện cơ chế hợp tác quản lý biên giới (00:00, 13/09/2021)
- Đằng sau phản ứng của các nước dịp kỉ niệm 5 năm Phán quyết Biển Đông (00:00, 30/07/2021)