Khoa học - Công nghệ |
HIỆN TƯỢNG NẮNG NÓNG, CƠ CHẾ HÌNH THÀNH VÀ SỰ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆT NAM |
|
Đăng 23/06/2021; xem 2208 lượt; | |
Nắng nóng là dạng thời tiết đặc biệt thường xảy ra vào mùa hè ở nước ta. Nắng nóng có thể xảy ra trong trường hợp ít mây, độ ẩm tương đối của không khí khá thấp (dưới 50%) được gọi là hiện tượng khô nóng và nếu xảy ra trong điều kiện nhiều mây, độ ẩm tương đối của không khí cao gây oi bức, khó chịu. Cơ chế gây nắng nóng điển hình ở nước ta bởi 3 thành tố chính: một là Vùng áp thấp nóng phía Tây phát triển và mở rộng về phía Đông Nam; hai là kết quả của hiện tượng Phơn khi gió mùa Tây Nam thổi từ Vịnh Bengan bị chắn bởi địa hình núi cao trước khi thổi vào Việt Nam; ba là Áp cao cận nhiệt đới lấn về phía tây tạo cơ chế dòng giáng. Từ cuối tháng 3 hàng năm, xen kẽ giữa các đợt hoạt động của KKL là sự mạnh lên của Áp thấp nóng Ấn Độ - Myanma (Ấn - Miến). Vùng áp thấp này phát triển mạnh trên khu vực bồn địa Tứ Xuyên, nơi được coi là vùng nóng nhất của Trung Quốc, khiến nhiệt độ khu vực này có thể lên tới 32 - 35 độ C. Tuy nhiên sự tác động của vùng thấp nóng này đến nước ta thường yếu và không kéo dài.
Hình 1: Bản đồ khí áp mô tả Vùng áp thấp nóng phát triển và ảnh hưởng đến Việt Nam ngày 20/6/2021. Bước sang các tháng mùa hè, vị trí mặt trời từ Nam bán cầu nâng dần lên Bắc bán cầu, đi qua Trung Bộ và nơi đây bước vào thời kỳ nắng nóng. Bức xạ mặt trời tạo điều kiện giúp Áp thấp nóng càng phát triển mạnh xuống Bắc và Trung Trung Bộ. Vào thời kỳ phát triển cực đại, hầu hết bán đảo Đông Dương nằm trọn trong vùng áp thấp nóng này (Hình 1). Sự phát triển và mở rộng về phía Đông Nam của vùng áp thấp tạo đà cho gió Tây Nam phát triển tương tác với địa hình núi cao dãy Hoàng Liên Sơn tạo hiệu ứng phơn gây nắng nóng gay gắt ở Bắc Bộ và Trung bộ, nhiệt độ cao nhất thường vượt quá 35-37 độ C, một số nơi đạt trên 40 độ, độ ẩm khá thấp chỉ khoảng 30% có thể kéo dài nhiều ngày. Cùng với sự mở rộng của vùng áp thấp nóng phía Tây, quá trình phát triển của gió mùa Tây Nam mạnh thổi từ vịnh Bengan vào nước ta vượt qua địa hình núi cao dãy Trường Sơn, sau khi gây mưa vùng hạ và trung Lào, hiệu ứng phơn xảy ra mạnh mẽ ở phía đông dãy Trường Sơn làm thời tiết càng trở nên khô nóng khốc liệt, mà chúng ta thường gọi là gió Lào hay gió Phơn Tây Nam (Hình 2). Hình 2: Mô tả hiện tượng Phơn khi gió thổi qua địa hình núi cao Một trong những yếu tố góp phần gia tăng nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ nữa đó là ở trên cao, Áp cao cận nhiệt đới hoạt động mạnh và lấn về phía đất liền nước ta. Với cơ chế tạo dòng phân kỳ, áp cao cận nhiệt ngăn cản sự hình thành mây ẩm, khiến trời quang, nắng chói chang vì vậy nắng nóng càng thêm gay gắt (Hình 3). Hình 3: Bản đồ khí áp mô tả Áp cao cận nhiệt phát triển, lấn vào nước ta ngày 20/6/2021. Nắng nóng là một trong 10 loại rủi ro thiên tai ở Việt Nam và được phân loại theo cường độ, diện và thời gian như sau: Tại địa phương nào đó được coi là có nắng nóng khi nhiệt độ cao nhất (ký hiệu là Tx) đạt mức 35 độ C ≤ Tx < 37 độ C. Nắng nóng gay gắt khi 37 độ C ≤ Tx < 39 độ C và được coi là ngày nắng nóng đặc biệt gay gắt khi Tx ≥ 39 độ C. Trong một khu vực dự báo, nếu quan sát thấy có ít nhất từ một nửa số trạm quan trắc trở lên có nhiệt độ cao nhất trong ngày Tx ≥ 35 độ C thì được gọi là ngày nắng nóng diện rộng. Còn khi chỉ quan sát thấy dưới một nửa số trạm trong khu vực có nhiệt độ cao nhất trong ngày Tx ≥ 35 độ C thì được gọi là nắng nóng cục bộ. Một ngày được coi là nắng nóng gay gắt trên diện rộng khi có ít nhất 2/3 số trạm quan trắc trong khu vực có nhiệt độ cao nhất Tx ≥ 35 độ C, trong đó ít nhất một nửa số trạm quan trắc trong khu vực dự báo có nhiệt độ cao nhất Tx ≥ 37 độ C. Khi nắng nóng diện rộng xuất hiện liên tục từ 2 ngày trở lên trong một khu vực dự báo thì được gọi là một đợt nắng nóng. Ở nước ta, nắng nóng tác động mạnh mẽ và và rõ ràng đến các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ vào các tháng 5-7 hàng năm. Các đợt nắng nóng thường kéo dài 5-7 ngày, cá biệt có đợt kéo dài hơn 10 ngày. Trong những đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể đạt ngưỡng 39-40 độ C, có nơi trên trên 40 độ C và độ ẩm tương đối trong ngày thường giảm xuống rất thấp, có khi xuống 30%. Ví dụ đợt nắng nóng từ ngày 17-22/6/2020, nhiều khu vực, nhất là các tỉnh vùng núi Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nhiệt độ cao chạm ngưỡng 40-41 độ C (Hình 4). Đối với các khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ sự tác động của nắng nóng yếu hơn do nằm xa vùng áp thấp nóng phía Tây và đặc thù các khu vực này thường có nắng quanh năm nên cảm nhận của các đợt nắm nóng thường không quá rõ ràng. Hình 4: Nhiệt độ quan trắc thực tế tại các trạm ngày 20/6/2021 (nguồn: Trung tâm DBKTTVQG) Nắng nóng là hiện tượng thời tiết nguy hiểm, có ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong những đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể đạt 39-40 độ C, có nơi trên trên 40 độ C và độ ẩm giảm thấp, bầu trời không một gợn mây, nắng chói chang, gió thổi mạnh khiến cây cỏ khô héo, ao hồ cạn kiệt tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ. Đặc biệt nắng nóng kéo dài còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động lao động sản xuất, sinh hoạt, đi lại và sức khỏe của người dân. Tác giả: Dương Đình Tuyển |
Tin khác
- THÔNG TIN KHÔNG - THỜI GIAN LÀ HẠ TẦNG THÔNG TIN CHO PHÁT TRIỂN THẾ HỆ CÔNG NGHỆ THỨ TƯ (19:20, 13/09/2021)
- Nghiên cứu xác định độ cao gốc quốc gia khu vực Nam Bộ (08:24, 14/09/2021)
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về đo đạc và bản đồ (08:26, 14/09/2021)
- Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (00:00, 04/05/2021)
- ĐIỂM DỊ THƯỜNG CỦA BÃO SỐ 9 NĂM 2021 VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA BÃO ĐẾN VIỆT NAM (00:00, 21/12/2021)