Khoa học - Công nghệ

ĐẨY MẠNH KHAI THÁC, SỬ DỤNG HỆ THỐNG PHẦN MỀM TÍCH HỢP DỮ LIỆU VÀ HỖ TRỢ DỰ BÁO 

Đăng 22/12/2022; xem 611 lượt;

* Theo dõi sát các hiện tượng thời tiết nguy hiểm

Trong năm 2022, thiên tai khí tượng thủy văn (KTTV) có diễn biến phức tạp gây khó khăn không nhỏ trong công tác dự báo. Cơn bão số 4 đổ bộ vào khu vực Trung Trung Bộ, đợt mưa đặc biệt lớn ở khu vực Nam Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum, trong đó tại Đà Nẵng mưa lớn trong thời đoạn ngắn đã gây ra trận ngập lụt lịch sử với nhiều khu dân cư bị ngập sâu; lũ quét và sạt lở đất đã xảy ra nhiều nơi khu vực vùng núi, đặc biệt tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Phú Yên, nhiều đợt sóng lớn đã làm đắm tàu, xói lở bờ, phá hủy khu nuôi trồng thủy sản ở ven biển tại khu vực Bắc và Trung Bộ.

Ngoài cơn bão số 4 trên, tính đến ngày 15/12, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã theo dõi và dự báo 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (6 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới), trong đó có các cơn bão số 1, 3, 5 ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta; 17 đợt không khí lạnh; 14 đợt nắng nóng; 26 đợt mưa lớn trên diện rộng; 16 đợt lũ trên phạm vi cả nước.

Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm đều được Trung tâm theo dõi sát và dự báo kịp thời, hạn chế thiệt hại. Ngoài ra, Trung tâm còn theo dõi, dự báo mực nước và dòng chảy các sông trên toàn quốc, đáp ứng yêu cầu phát điện và chỉ đạo điều hành liên hồ chứa phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân 2021-2022; xâm nhập mặn ở ĐBSCL, triều cường, gió mạnh, sóng lớn và nước biển dâng trên các khu vực biển ngoài khơi và ven bờ; thực hiện tốt công tác dự báo phục vụ khai thác, vận hành và phòng, chống thiên tai cho các lưu vực sông được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa.

Đáng chú ý, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã thực hiện đầy đủ các Bản tin dự báo KTTV hạn ngắn, hạn vừa, hạn dài và cơ bản đều đạt chỉ tiêu đặt ra. Cụ thể, ngay từ đầu năm, Trung tâm đã ban hành Bản tin nhận định sớm về khả năng diễn biến phức tạp của mùa mưa, bão, lũ năm 2022 gửi Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai,... Trung tâm cũng đã phối hợp với các cơ quan truyền thông đưa tin về nội dung trên. Sau đó, các thông tin dự báo mùa, dự báo tháng đều được cập nhật thường xuyên theo quy định và được chi tiết, cụ thể hoá trong các bản tin dự báo thời tiết 10 ngày.

Trung tâm cũng đã triển khai ổn định việc cung cấp bản tin cảnh báo tác động của tia UV trên trang Web của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia; thực hiện các bản tin dự báo xâm nhập mặn ở ĐBSCL mùa khô 2021 - 2022 phục vụ công tác phòng chống thiên tai và sản xuất nông nghiệp.

* Ứng dụng công nghệ mới, hiện đại vào dự báo

Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cực đoan ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Yêu cầu về phòng, chống thiên tai, đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ gìn thành quả xây dựng và phát triển của đất nước và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp ngày càng cao; công tác dự báo KTTV trong thời gian tới còn nhiều nhiệm vụ, trọng trách nặng nề cần gánh vác. Vì vậy, bước sang năm 2023, năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thuỷ văn, hải văn trên phạm vi cả nước; cảnh báo, dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thuỷ văn, hải văn nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lớn, lũ quét, triều cường, sóng lớn,... phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai.

Hơn nữa, Trung tâm sẽ tiếp tục ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào dự báo. Trung tâm sẽ triển khai kế hoạch đổi mới công tác dự báo thủy văn, nâng cao chất lượng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt đô thị; nâng cao chất lượng dự báo định lượng mưa thông qua việc tăng cường khai thác, sử dụng các nguồn dữ liệu quan trắc như vệ tinh, radar, đo mưa tự động và các nguồn thông tin dự báo, đặc biệt là dự báo của mô hình khu vực độ phân giải cao; tăng cường ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại (trí tuệ nhân tạo, học máy,…) trong bài toán dự báo định lượng mưa.

Đồng thời, Trung tâm sẽ đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng hệ thống phần mềm tích hợp dữ liệu và hỗ trợ dự báo (CDH) trong nghiệp vụ. Theo đó, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV, Trung tâm Quan trắc KTTV, Đài Khí tượng cao không để kiểm soát chất lượng các loại dữ liệu trên CDH, trong đó đặc biệt là các dữ liệu tự động (mưa, nhiệt độ) nhằm đảm bảo chất lượng số liệu; đồng thời xây dựng và cập nhật các công cụ hỗ trợ dự báo để khai thác các nguồn dữ liệu từ CDH cho công tác dự báo nghiệp vụ. CDH được kỳ vọng trở thành “xương sống” của hệ thống dữ liệu, hệ thống dự báo và tiến tới là hệ thống để Trung tâm quản lý, đánh giá dự báo một cách bài bản.

Ngoài ra, Trung tâm sẽ triển khai xây dựng các công cụ tính toán quy mô và mức độ tác động trên cơ sở tích hợp hiện trạng số liệu đối tượng chịu tác động, cường độ thiên tai và xác suất xảy ra thiên tai; giám sát biến đổi khí hậu và triển khai Khung dịch vụ khí hậu toàn cầu tại Việt Nam.

Để thực hiện thành công các nhiệm vụ trên, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia vừa kiến nghị Tổng cục KTTV chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thiện và đảm bảo khai thác cơ sở dữ liệu đầy đủ, kịp thời từ hệ thống CDH phục vụ công tác dự báo, cảnh báo. Các nguồn số liệu quan trắc cần thực hiện các quá trình kiểm tra, kiểm chuẩn chất lượng số liệu trước khi đưa vào CDH.

Đối với bài toán đồng hóa số liệu radar và bài toán xây dựng bản đồ mưa chi tiết (1km x 1km), cần tiếp tục phối hợp giữa các đơn vị, kế thừa các kết quả dự án trong việc thực hiện các quá trình kiểm tra, kiểm chuẩn số liệu và đồng bộ số liệu (radar của Nhật và radar của Mỹ, Phần Lan) về cơ sở dữ liệu chung.

Đặc biệt, Tổng cục KTTV cần chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia thực hiện cập nhật và phát triển, hoàn thiện mô hình, công nghệ phục vụ dự báo, cảnh báo thủy văn, đặc biệt chú trọng các mô hình cảnh báo ngập úng đô thị; tổ chức tập huấn đào tạo, đảm bảo các Dự báo viên thủy văn vận hành được các mô hình, công nghệ dự báo; làm chủ được các mô hình, công nghệ dự báo; hiểu biết về hệ thống thông tin địa lý (GIS), các mô hình khai thác hệ thống GIS.

Bên cạnh đó, cần sự phối hợp chia sẻ các dữ liệu về kinh tế xã hội, dữ liệu thiệt hại sau thiên tai, dữ liệu điều tra khảo sát ngập lụt đô thị phục vụ công tác dự báo tác động.

Dương Đình  Tuyển (ST)

Tin khác