Tin hoạt động IHO

KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TỔ CHỨC THỦY ĐẠC QUỐC TẾ 

Đăng 22/06/2021;

Ngày 21/6/1921, tại Monaco, Cục Thủy đạc quốc tế (IHB) chính thức được thành lập và ngày 21/6 hàng năm được coi là ngày kỷ niệm và để tôn vinh những người hoạt động hoạt động trong lĩnh vực thủy đạc. Đến năm 1970, Cục Thủy đạc quốc tế (IHB) chính thức đổi tên thành Tổ chức thủy đạc quốc tế (International Hydrographic Organization - IHO) và duy trì tên gọi này cho đến nay.

Đây là tổ chức liên chính phủ có tính chất tư vấn về kĩ thuật, chức năng chính là: Phối hợp các quốc gia trong hoạt động công tác thủy đạc; Thống nhất các hải đồ và các tài liệu hàng hải; Thực hiện và khai thác các nghiên cứu thủy đạc; Phát triển trong lĩnh vực thủy đạc và các phương tiện khai thác nhằm mô tả các yếu tố hải dương học (thủy triều, mực nước biển và các loại hải đồ khác).

Năm 2021, với chủ đề trọng tâm là “Một trăm năm hợp tác quốc tế về lĩnh vực thủy đạc” đã nêu bật được thành quả cũng như sự tiến bộ về mặt kỹ thuật trong công tác kỹ thuật và công nghệ nhằm khảo sát, đo đạc, thành lập hải đồ phục vụ an toàn hàng hải và phát triển nền kinh tế biển; IHO còn đóng vai trò như cầu nối giữa các quốc gia thành viên trong hợp tác về thủy đạc, qua đó chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm thực tế về lĩnh vực này.

Mặc dù Việt Nam là thành viên mới của IHO kể từ năm 2015. Tuy nhiên, ngay từ năm 1955, Bộ Quốc phòng đã giao cho Quân chủng Hải quân trực tiếp đảm nhiệm về đo đạc đường biển và sản xuất hải đồ, và hiện nay công tác này vẫn do Hải quân tiếp tục trực tiếp thực hiện, với nhiệm vụ: Điều tra, nghiên cứu địa hình biển, đảo; Bảo đảm an toàn hàng hải; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đánh giá tư liệu phục vụ việc đàm phán, phân giới các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; Quan trắc phân tích môi trường biển; Nghiên cứu hải dương; Thu thập và điều tra địa chất ở các khu vực biển, đảo, các khu vực nhạy cảm..Hơn 65 năm xây dựng, hoạt động và phát triển, Bộ Quốc phòng (Hải quân) đã cung cấp hàng triệu tờ hải đồ các loại tỉ lệ cho hoạt động quốc phòng, an ninh và cho các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống hải đồ trong phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, quốc phòng cũng như nhiệm vụ quản lý biển, trong những năm qua Bộ Quốc phòng đã đầu tư, biên chế cho Quân chủng Hải quân một hệ thống đội tàu đo đạc biển phục vụ đo ven bờ, đo xa bờ; trang bị hệ thống máy móc, thiết bị mới, hiện đại, tiên tiến đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế (máy đo sâu đơn tia, đa tia, đo sâu quét sườn, hệ thống đo địa chấn, từ trường, phần mềm sản xuất và biên tập hải đồ giấy, hải đồ điện tử đáp ứng theo các tiêu chuẩn của IHO); tổ chức đào tạo, huấn luyện trong và ngoài nước lực lượng cán bộ chỉ huy, quản lý chuyên ngành, cán bộ kỹ thuật có trình độ cao và đội ngũ kỹ thuật viên lành nghề, giàu kinh nghiệm trong đa lĩnh vực, đặc biệt có bản lĩnh vững vàng hoạt động trên các vùng biển xa, nhạy cảm, đảm bảo luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cũng như đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế đối với chất lượng của số liệu khảo sát biển và hải đồ.

Hiện nay, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã sản xuất được các loại hải đồ giấy, các loại hải đồ điện tử (ENC), bao gồm các loại từ tỷ lệ 1/500 đến tỷ lệ 1/2.500.000 có phạm vi bao trùm toàn bộ vùng biển, đảo, thềm lục địa Việt Nam và toàn bộ Biển Đông; đa dạng về chủng loại nhằm phù hợp với mục đích sử dụng (hải đồ thủy âm, hải đồ vô tuyến, hải đồ hàng hải, hải đồ từ trường...); tuân thủ theo đúng quy phạm của chuyên ngành đo đạc, thành lập hải đồ quốc gia, đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan (Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường...) trong khảo sát, đo đạc phục vụ công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, triển khai nhiệm vụ quốc phòng và phát triển kinh tế quốc dân. Cụ thể: Tham mưu đắc lực cho Chính phủ giải quyết tốt các vấn đề trên biển (phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc; Phân định vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Căm-pu-chia, phân định vùng đặc quyền kinh tế với In-đô-nê-xia, Thái Lan); Phối hợp triển khai đo đạc khảo sát, xác định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải theo Luật Biển quốc tế... góp phần cung cấp bằng chứng lịch sử và thực địa, cơ sở pháp lý phục vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và những lợi ích quốc gia trong những khu vực chồng lấn, tranh chấp trên Biển Đông; khảo sát, đo đạc thành lập hải đồ các tỷ lệ phục vụ cho hàng hải trên biển; điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển; đo đạc, thành lập các loại bản đồ thủy âm, bản đồ từ trường, mô hình 3D…; thực hiện nhiệm vụ vừa đo đạc, khảo sát vừa kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo và tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển (tìm kiếm Su-30 MK2, CaSA-212...) và các nhiệm vụ đột xuất khác.

Các nhà khoa học, các chuyên gia, học giả hàng đầu và có uy tín trong các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao trên thế giới, trong nước đều nhận định thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương. Thông qua việc hợp tác giữa các quốc gia thành viên của Tổ chức thủy đạc quốc tế và Ủy ban thủy đạc Đông Á sẽ tạo ra cộng đồng thủy đạc có mối liên hệ chặt chẽ, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, góp phần vào việc phát triển kinh tế, quan hệ ngoại giao, đặc biệt là góp phần giữ vững hòa bình, ổn định, hữu nghị và thịnh vượng trong khu vực cũng như trên thế giới.

Tác giả: Nguyễn Thế Long

Tin khác