Tin tức liên quan

Truyền thống 55 năm phòng Bảo đảm hàng hải -BTM Hải quân 

Đăng 18/06/2014;

NGÀNH BẢO ĐÀM HÀNG HẢI HẢI QUÂN 55 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH

 

Ngày 12 tháng 5 năm 1955, Bộ Tổng Tham mưu ra quyết định ”Ban hành biểu biên chế Cơ quan Cục Phòng thủ bờ bể”, trong đó có ” Ban Địa dư đồ bản – khí tượng hoa tiêu” là cơ quan tiền thân của Phòng Bảo đảm hàng hải (BĐHH) ngày nay. Quá trình phát triển của ngành BĐHH gắn liền với quá trình xây dựng và trưởng thành  của  Quân chủng Hải quân, theo các giai đoạn:

1.  Quá trình hình ngành BĐHH  ( 1955 - 1964)

Trong những ngày đầu thành lập, lực lượng của Ngành gồm có 3 bộ phận: Cung ứng hải đồ, Hàng hải phao tiêu – dự báo khí tượng và Đo đạc. Đến năm 1959,  ”Ban địa dư đồ bản – khí tượng hoa tiêu” được nâng cấp lên thành ”Phòng đo đạc đường biển” gọi tắt là ”Phòng đo đạc biển” trực thuộc Cục Hải quân, Phòng đo đạc biển gồm 2 ban: Ban Hàng hải – khí tượng, Ban Đo đạc) và đại đội 6 đo đạc biển. Đến năm 1961 Phòng đo đạc đường biển chuyển thành Ban Hàng hải thuộc Phòng Tham mưu Hải quân. Nhiệm vụ chính của Ban Hàng hải là: xây dựng, kiện toàn tổ chức lực lượng, tham gia chỉ đạo hoạt động BĐHH cho Cục Phòng thủ bờ bể và Cục Hải quân : nắm tình hình hàng hải, hệ thống phao tiêu, đèn biển, khí tượng, khảo sát đo đạc luồng lạch trên các cửa sông, bến cảng, vùng ven biển, các căn cứ; tổ chức biên tập in ấn hải đồ, biên soạn, biên dịch tài liệu, bảo đảm khôi phục sửa chữa khí tài hàng hải phục vụ cho hoạt động luyện tập, SSCĐ, chiến đấu của các lực lượng Hải quân; nghiên cứu tham mưu cho Thủ trưởng Bộ đề xuất với Chính phủ ra nghị định về quản lý hoạt động hàng hải dân dụng, đặt tên các đảo miền Bắc Việt Nam. Cán bộ, nhân viên đầu tiên của Ngành đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách và thiếu thốn, vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm , nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

2. Ngành BĐHH Hải quân trong  kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1964 - 1975)

Ngày 21/4/1964, Ban Bảo đảm hàng hải được nâng lên thành Phòng Bảo đảm hàng hải thực thuộc Cục Tham mưu Hải quân. Tại thời điểm này, cán bộ Ngành BĐHH đã vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, cùng các lực lượng khác trong Quân chủng tích cực, chủ động, sáng tạo, nhanh chóng triển khai lắp đạt hàng tiêu phục vụ rà quét thuỷ lôi, tổ chức đo đạc khảo sát các yếu tố khí tượng  - hải dương, địa hình luồng lạch, in ấn hải đồ phục vụ kịp thời cho các hoạt động chiến đấu của Quân chủng. Nghiên cứu đề xuất cho Thủ trưởng BTL, BTM về tình hình luồng lạch, bến bãi khu trú đậu đợi cơ, cất giấu tàu thuyền, các tuyến luồng sông, biển. Trực tiếp dẫn dắt tàu thuyền quân sự Trung Quốc vận chuyển vật liệu xây dựng các công trình ở khu vực Đông Bắc. Từ năm 1971 – 1974, nghiên cứu đề xuất hoạch định vịnh Bắc Bộ lần thứ nhất Việt Nam – Trung Quốc. Sưu tầm tài liệu về tình hình hàng hải Quần đảo Trường Sa, luồng lạch miền Nam Việt Nam phục vụ cho chiến dịch giải phóng các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975.

3. Ngành BĐHH Hải quân trong những năm đất nước thống nhất (1975 - 1989)

Sau ngày giải phóng miền Nam, một nhiệm vụ nặng nề mà Đảng và nhân dân giao cho Quân chủng Hải quân là bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ , Ngành BĐHH đã không ngừng củng cố tổ chức, tham gia xây dựng lực lượng, bảo đảm hàng hải cho nhiệm vụ huấn luyện SSCĐ và CĐ của toàn Quân chủng. Nhiệm vụ chính của Ngành BĐHH là: thu thập tài liệu tình hình hàng hải sông ngòi vùng biển miền Nam, quần đảo Trường Sa; tổ chức đo đạc khảo sát luồng lạch, biên soạn tài liệu hàng năm, biên tập xuất bản hải đồ trên phạm vi toàn quốc, chuyển ký hiệu hải đồ 4 số tự nhiên sang ký hiệu 3 nhóm kết hợp số tự nhiên và chữ cái; tổ chức đo đạc nghiệm triều trên quần đảo Trường Sa để làm công tác dự báo thuỷ triều. Lập kế hoạch chỉ đạo công tác đo đạc bản đồ khu vực quần đảo Trường Sa, DK 1, đề xuất vị trí xây dựng các công trình , vị trí đóng giữ các điểm đảo. Tổ chức lắp đặt phao tiêu, phao bến tại các căn cứ ven bờ, quần đảo Trường Sa, DK1 và các bãi đá cho các hoạt động đóng quân và bảo vệ chủ quyền biển đảo.Tham gia đóng góp vào các văn bản pháp quy của nhà nước về quản lý biển đảo để Chính phủ ra tuyên bố như tuyên bố ngày 12/5/1977 về phạm vi chế độ pháp lý, quyền hạn, nghĩa vụ của mình trên các vùng biển. Tuyên bố ngày 12/11/1982 về hệ thống đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam...

Trong những năm 1986 -1987, phòng BĐHH còn cử cán bộ sang Campuchia triển khai nhiệm vụ cấp trên giao: quan trắc, đo đạc, tính toán thuỷ triều, biên tập in ấn hải đồ giúp Hải quân nước bạn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

4. Ngành BĐHH Hải quân trong thời kỳ đổi mới xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn từ năm 1989 đến nay:

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ngành đã tích cực chủ động khắc phục khó khăn, bảo đảm kịp thời  mọi nhu cầu về công tác huấn luyện nghiệp vụ và pháp chế hàng hải, công tác bảo đảm thiệt bị hàng hải và duy tu bến cảng luồng lạch, công tác dự báo khí tượng – hải dương và nghiên cứu biên, công tác đo đạc – biên vẽ – xuất bản hải đồ đáp ứng yêu cầu các hoạt động của Quân chủng, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trước những diễn biến phức tạp trên các vùng biển, nhất là vùng biển quần đảo Trường Sa, khu vực DK1, ngành vẫn tổ chức đo đạc khảo sát các yếu tố khí tượng – hải dương thuộc khu vực các vùng biển DK1, Hồ Đá Tây, Hồ Đá Lớn,, Khu vực Hòn Hải, Phú Quý, Cam Ranh. Tổ chức nghiệm triều khu vực: Trà Cổ, Hòn Gai, Cửa Ba Lạt, Cửa Hội. Thu thập số liệu làm công tác dự báo thời tiết biển đáp ứng kịp thời cho các hoạt động của Quân chủng. Hàng năm Ngành tổ chức theo dõi cảnh báo từ 32 -34 cơn bão hoạc ATNĐ hoạt động ở Tây Thái Bình Dương, trong đó có 9-10 cơn bão hoạt động trên biển Đông, từ 42-44 đợt gió mùa, xuất bản 2500 cuốn thuỷ triều. Hiện nay, hệ thống nối mạng truyền số liệu khí tượng - hải dương (mạng LAN - 2000) được thiết lập nối mạng từ cơ quan phòng nghiệp vụ đến Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương và truyền xuống các đơn vị trực thuộc Quân chủng: Vùng A, B, C, D, E, HVHQ, Lữ đoàn M25, Hải đoàn M29, Đoàn 6,... Ngành đã phối hợp với các đơn vị tập trung sửa chữa, bảo quản và thay thả mới hàng chục lượt chiếc phao bến, phao luồng; tổ chức lắp đặt hệ thống phao bến tại các căn cứ ven bờ: Hạ Long, Cửa Hội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh, Căn cứ 696 và các tuyến đảo xa bờ: Bạch Long Vĩ, Song Tử Tây, Đá Lớn, Đá Đông, Đá Tây, Tốc Tan. Đặc biệt từ năm 2006 đến năm 2009, Ngành đã tổ chức xây dựng, lắp đặt 32 trạm đèn tín hiệu hàng hải trên QĐTS, lắp đặt hệ thống thiết bị hàng hải âu tàu Song Tử Tây đưa vào sử dụng đáp ứng yêu cầu mục tiêu của dự án và bảo đảm an toàn cho tàu thuyền hoạt động tránh gió bão, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Hàng năm bằng nguồn vốn của Bộ Quốc phòng đã lập kế hoạch chỉ đạo các đơn vị nạo vét luồng lạch duy tu bến cảng từ 1 đến 2 công trình với khối lượng 100-120 m3 bùn đất và chất thải khơi thông luồng lạch theo đúng quy trình kỹ thuật, phối hợp với bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam tổ chức biên soạn, phát hành được 25-30 thông báo hàng hải bảo đảm an toàn cho tàu thuyền họat động.

Bám sát nhiệm vụ Quân chủng, Ngành đã hướng dẫn chỉ đạo nội dung huấn luyện chuyên ngành cho các đối tượng là: Sĩ quan tàu, QNCN, NV hàng hải về địa hình luồng lạch, phòng chống bão, quy tắc ATHH, luật biển, khai thác sử dụng các thiết bị máy móc dẫn đường trên tàu. Tham gia vào các văn bản pháp quy của nhà nước về quản lý biển như: Luật biên giới quốc gia, luật hàng hải Việt Nam, dự thảo luật biển Việt Nam, quy chế tàu quân sự nước ngoài ra vào thăm nước CHXHCNVN, Hiêp định thương mại giữa CHXHCN Việt Nam và CH ARẬP – LIBI , CHDCND Triều Tiên, RUMANI, GIÓCĐANI, ẤN ĐỘ. Tham gia đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc.Trực tiếp soạn thảo Quy chế cảng quân sự trình Thủ trưởng Bộ quốc phòng ban hành áp dụng trong cả nước; hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản pháp luật hàng hải như: Giải quyết điều tra xác minh nguyên nhân nhiều vụ tai nạn hàng hải như: đâm va tàu Sông Thao với tàu ORIENTALLEO, vụ tàu SUMARU Hàn Quốc, tàu SUMENE Thổ Nhĩ Kỳ đâm vào tàu của Công ty 128; tổ chức rút kinh nghiệm và thông báo kịp thời cho toàn Quân chủng góp phần bảo đảm ATHH và giảm thiểu các tai nạn.  Ngoài ra ngành còn tổ chức nghiên cứu biên soạn và xuất bản 45 bộ tài liệu chuyên ngành, phát hành 32 loại tài liệu mẫu biểu hàng hải. Tổ chức đo đạc, biên tập in ấn hàng triệu tờ hải đồ các tỷ lệ khác nhau, bảo đảm cho các hoạt động: Huấn luyện, vận tải, phòng chống bão, TKCN, SSCĐ và chiến đấu của Quân chủng, Quân đội và hoạt động của các ngành kinh tế  biển qua các thời kỳ.

Từ một Ban Bảo đảm hàng hải nhỏ bé ban đầu, sau 55 năm xây dựng và hoạt động thực hiện các nhiệm vụ đến nay Ngành đã có một đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ đại học, trên đại học được đào tạo cơ bản trong và ngoài nước thuộc nhiều chuyên ngành: điều khiển tàu, thủy đạc, khí tượng – hải dương học. Cùng với Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển, Trạm khí tượng – hải dương và nghiên cứu biển Hải quân được trên đầu tư trang bị một số máy móc, tàu đo đạc biển hiện đại phục vụ công tác điều tra nghiên cứu biển, xây dựng và củng cố hoàn thiện ngành BĐHH theo hướng chính quy, hiện đại.

Việc thành lập Phòng Bảo đảm hàng hải đã đánh dấu bước phát triển, trưởng thành của Ngành BĐHH Hải quân, khẳng định vị trí vai trò của Ngành trong hoạt động chiến đấu, xây dựng của Hải quân nhân dân Việt Nam. Trong suốt 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành Ngành BĐHH Hải quân đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển với nhiều nhiệm vụ khác nhau trong chiến tranh giải phóng, đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, các thế hệ cán bộ của Ngành đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang ”Đầy đủ, kịp thời, an toàn, hiệu quả”.

Trong những năm tới, tình hình khí hậu, thời tiết trên các vùng biển, hải đảo còn diễn biến phức tạp khó lường, do biến đổi khí hậu toàn cầu. Để hoàn thành nhiệm vụ mà Quân đội, Quân chủng giao phó, Ngành BĐHH Hải quân cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị, mệnh lệnh và nghị quyết của Đảng ủy và thủ trưởng Bộ tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân, làm tốt chức năng là cơ quan tham mưu giúp Đảng ủy, Thủ trưởng , BTM, BTL về công tác hàng hải, khí tượng-hải dương và nghiên cứu biển; đo đạc, biên vẽ, xuất bản hải đồ và huấn luyện, bảo đảm cho hoạt động của các lực lượng trong Quân chủng, Quân đội chiến đấu thắng lợi. Quyết tâm nắm vững đối sách trên biển và công ước của Liên hiệp quốc về luật biển năm 1982, tuyên bố về cách ứng xử các bên ở Biển Đông (tuyên bố DOC), pháp luật Việt Nam để đấu tranh bảo vệ chủ quyền; dự báo chính xác và kịp thời để không bị bất ngờ về thời tiết trên Biển.

- Nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên trong Ngành về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phát triển mạnh theo hướng công nghệ số hóa, đổi mới và áp dụng công nghệ tiên tiến vào công tác đo đạc, thành lập bản đồ biển, hệ thống tích hợp hàng hải với Rađa dần đường cho tàu, hệ thống tự động nhận dạng AIS; quản lý thiết bị hàng hải, quản lý luồng lạch  và nghiên cứu biển với chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ QP-AN, phát triển kinh tế và hội nhập Quốc tế.

- Củng cố kiện toàn, hệ thống cơ quan bảo đảm hàng hải các cấp: cơ quan BĐHH các cấp là cơ quan tham mưu chuyên ngành cho người chỉ huy đơn vị. Do địa bàn Quân chủng đóng quân rộng, lực lượng hoạt động tàu thuyền nhiều trong điều kiện địa hình, luồng lạch, thời tiết phưc tạp. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, các cơ quan hàng hải  các cấp phải giỏi về chuyên môn nghiệp vụ để tham mưu cho thủ trưởng và hướng dẫn, chỉ đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả và đi vào chiều sâu 2 khâu đột phá của Ngành BĐHH là Xây dựng nền nếp chính quy và làm chủ VKTBKT mới, thực hiện đầy đủ nội dung kỹ thuật ngày, tuần, tháng, ngày kỹ thuật quý có hiệu quả. Thực hiện tốt cuộc vận động 50 nhằm nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng trang bị kỹ thuật, vật tư của Ngành không để xẩy ra hư hỏng, mất mát và mất an toàn trong khi vận hành khai thác sử dụng máy móc tại đơn vị cũng như khi tàu hoạt động trên biển.

- Phải xây dựng kế hoạch huấn luyện, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên trong toàn Ngành cùng với việc tự học; coi trọng nâng cao chất lượng các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ; tập trung xây dựng nền nếp chính quy trong việc đăng ký sổ sách, tài liệu mẫu biểu; thực hiện chế độ báo cáo ngành, đồng thời chủ động tham mưu đề xuất với người chỉ huy đầu tư mua sắm phương tiện, trang bị công nghệ mới hiện đại, tích cực khai thác những trang bị kỹ thuật hiện có đạt kết quả cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoạt động chiến đấu của Quân chủng.

Tin khác