Khoa học - Công nghệ

HIỆN ĐẠI HÓA CÔNG NGHỆ DỰ BÁO – ĐÒI HỎI LỚN TRƯỚC THÁCH THỨC THIÊN TAI 

Đăng 20/10/2022; xem 592 lượt;

Thiên tai dị thường

“Thiên tai dị thường” là từ xuất hiện ngày một nhiều hơn trên truyền thông về thời tiết của Việt Nam vài năm gần đây.

Năm 2020 có thể xem là một năm thiên tai dị thường xuất hiện từ những ngày đầu năm đến hết năm. Ngay trong ngày 30 và 1 Tết Nguyên đán 2020 đã xuất hiện dông lốc, mưa đá - một điều rất hiếm khi xảy ra. Đặc biệt, chỉ trong vòng 45 ngày từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10, khu vực duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 áp thấp nhiệt đới. Trong đó, bão số 9 đã đạt đến cấp siêu bão và được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua với gió cấp 14, giật cấp 17, thời gian lưu gió mạnh lên đến 6-7 tiếng; bão đổ bộ trùng với thời điểm triều cường đã tàn phá và gây thiệt hại nặng nề.

Theo thống kê từ Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 3.429 căn nhà bị sập, hơn 333 nghìn ngôi nhà bị hư hại, tốc mái; trên 198 nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52 nghìn con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi, với tổng thiệt hại gần 40.000 tỷ đồng.

Ngành KTTV đang triển khai nhiều dự án nhằm tăng cường năng lực quan trắc và truyền tin KTTV

Dù chưa đi hết năm 2022, nhưng từ đầu năm tới ngày 11/10, cả nước đã xảy ra 4 cơn bão; 1 cơn áp thấp nhiệt đới; 206 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; 197 trận dông lốc, sét; 82 vụ sạt lở bờ sông; 226 trận động đất; 9 trận gió mạnh trên biển và 2 đợt rét đậm, rét hại. Thiên tai đã làm 139 người chết, mất tích; 211 người bị thương; 630 nhà sập; 15.729 nhà hư hỏng, tốc mái; 247.460 ha lúa, hoa màu và 44.795 ha cây trồng khác ngập úng, thiệt hại; 21.258 con gia súc, 468.047 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 335 ghe, thuyền bị chìm, hư hỏng… Thiệt hại ước tính trên 5.167 tỷ đồng.

Trong thông điệp phát đi nhân Ngày Khí tượng thế giới năm 2022, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới Petteri Taalas nhận định, biểu hiện của Biến đổi khí hậu đang trở nên rõ ràng ở mọi nơi trên thế giới thông qua các cực trị của khí hậu đang xảy ra ngày càng nhiều hơn. Chúng ta đang chứng kiến những đợt nắng nóng, hạn hán và cháy rừng khắc nghiệt. Hơi nước hiện hữu nhiều hơn trong khí quyển của chúng ta, gây ra những trận mưa lớn cực đoan và lũ lụt. Sự ấm lên của đại dương làm các cơn bão nhiệt đới mạnh hơn và mực nước biển dâng cao làm gia tăng các tác động.

“Chúng ta dự đoán rằng, xu hướng tiêu cực này vẫn sẽ tiếp tục. Khí nhà kính được ghi nhận đang ở mức kỷ lục là nguyên nhân khiến biến đổi khí hậu tiếp diễn trong nhiều thập kỷ tới, băng tan và mực nước biển dâng có thể kéo dài đến hàng thế kỷ”, Tổng Thư ký Petteri Taalas nói.

Thông tin từ Văn phòng giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc (UNDDR) cũng cho biết, trong vòng 20 năm qua, các loại thiên tai trên toàn thế giới đã tăng khoảng 75%, làm hơn 1 triệu người thiệt mạng, ảnh hưởng đến hơn 4 tỷ người và gây thiệt hại kinh tế gần 3 nghìn tỷ USD. Trong đó, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất ngày càng cao. Chỉ tính riêng trong 20 năm trở lại đây, các loại thiên tai đã khiến hơn 13 nghìn người thiệt mạng, thiệt hại tài sản trên 6,4 tỷ USD, khoảng 60% diện tích đất và hơn 70% dân số đứng trước rủi ro hứng chịu thảm họa từ thiên tai.

Hiện đại hóa công tác dự báo

Sự “dị thường”, cực đoan của các loại hình thiên tai đang đặt ra yêu cầu bức thiết với ngành KTTV trong công tác dự báo, cảnh báo. Dự báo sớm, chính xác các hiện tượng thiên tai là điều kiện tiên quyết để đưa ra các giải pháp ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Có nhiều biện pháp để nâng chất lượng dự báo, trong đó hiện đại hóa là một biện pháp, cũng là yêu cầu bắt buộc. Trong những năm qua, ngành KTTV đã triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ liên quan đến hệ thống quan trắc, thông tin dữ liệu, năng lực tính toán, công nghệ dự báo, nguồn nhân lực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đối với hệ thống quan trắc, ngành KTTV đã triển khai nhiều dự án nhằm tăng cường năng lực quan trắc và truyền tin KTTV. Cụ thể, Ngành đã xây dựng trạm ra đa thời tiết hiện đại mới tại Phù Liễn (Hải Phòng), Vinh (Nghệ An), Pha Đin (Lai Châu). Toàn bộ hệ thống ra đa thời tiết trong vài năm tới sẽ hoàn thành việc nâng cấp, bổ sung, có thể phủ sóng toàn bộ đất liền và các vùng biển ven bờ, khu vực biển Quần đảo Trường Sa và Phú Quốc, cho phép giám sát hoạt động của bão, cảnh báo sớm mưa lớn và phát hiện sớm dông sét.

Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết, mục tiêu của ngành KTTV đến năm 2030 sẽ phát triển đồng bộ mạng lưới trạm tự động quan trắc về khí tượng, thủy văn, hải văn theo hướng tăng dày mật độ các trạm tự động lên 70% so với số lượng hiện có; ưu tiên phát triển tại các khu vực thường xuyên có nguy cơ xảy ra các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán và xâm nhập mặn.

Với công tác thông tin dữ liệu, ngành KTTV đã từng bước nâng cấp mạng thông tin khí tượng toàn cầu, đồng thời triển khai các kênh trao đổi quốc tế về thông tin KTTV. Những thông tin dự báo KTTV được cung cấp đến các cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai ở Trung ương và địa phương một cách nhanh chóng bằng hệ thống truyền tin đa phương tiện, hoàn chỉnh. Tổng cục KTTV sẽ hoàn thiện trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin cho Trung tâm Dữ liệu Data Center (DC) tại Hà Nội và đầu tư xây dựng DC mới tại TP.HCM. Cùng với đó, xây dựng mạng dùng riêng cho lĩnh vực KTTV; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ truyền dẫn thế hệ mới trong thu nhận, truyền phát thông tin KTTV...

Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết, để thực hiện các bài toán dự báo KTTV, ngành đã sử dụng các siêu máy tính với tốc độ tính toán cực lớn và cực nhanh. Trước đây, Tổng cục sử dụng các máy tính bó song song còn một số hạn chế thì nay đã được thay bằng hệ thống siêu máy tính CrayXC40 - hệ thống tính toán dành cho bài toán dự báo khí tượng mạnh trong khu vực Đông Nam Á. Hệ thống này được đánh giá tương đương với hệ thống CrayXC40 của Cơ quan khí tượng Singapore. Được trang bị 56 máy chủ tính toán với trên 2.100 bộ vi xử lý, CrayXC40 của Việt Nam cho phép đạt năng lực tính toán xấp xỉ 80TFLOPS và thực hiện bài toán dự báo thời tiết ở quy mô 2 - 3km cho toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và Biển Đông, dự báo 3 ngày trong thời gian 30 - 40 phút.

Để bước vào hành trình chuyển đổi số một cách mạnh mẽ và chuyên nghiệp, tháng 3/2021, Tổng cục KTTV đã ký kết biên bản hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) - tập đoàn công nghệ hàng đầu của Việt Nam, nhằm ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử viễn thông cho ngành, thực hiện cuộc cách mạng 4.0 và hiện thực hóa Chiến lược phát triển ngành đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dấu mốc này hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi mạnh mẽ, giúp hình thành và phát triển các mô hình, phương pháp mới cả trong quan trắc và dự báo, cảnh báo KTTV, góp phần tăng cường hiệu quả dự báo phục vụ phòng chống thiên tai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đi cùng với hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ dự báo, Tổng cục KTTV cũng rất chú trọng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Những năm qua, ngành KTTV đã chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực quan trắc, dự báo và thông tin KTTV với nhiều khóa đào tạo dài và ngắn hạn ở trong nước cũng như tại nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan, Na Uy... Nhiều cán bộ, viên chức của ngành đã theo học các khóa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại nước ngoài và trở lại làm việc sau khi hoàn thành khóa học.

Dương Đình Tuyển (ST)

Tin khác