Khoa học - Công nghệ

TIỀM NĂNG NĂNG LƯỢNG BỨC XẠ, GIÓ VÀ SÓNG TẠI VIỆT NAM 

Đăng 29/09/2022; xem 500 lượt;

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa hoàn thiện Báo cáo đánh giá tiềm năng năng lượng bức xạ, gió và sóng tại Việt Nam. Báo cáo lần này được xây dựng trên cơ sở kế thừa các kết quả của Báo cáo lần thứ nhất, bổ sung thông tin chi tiết hơn về tiềm năng gió ngoài khơi và cung cấp thêm các thông tin về phân bố tiềm năng gió và bức xạ trên đất liền tại Việt Nam. Báo cáo là tài liệu hữu ích để các bộ, ngành, địa phương tham khảo và sử dụng trong quá trình hoạch định, xây dựng và cập nhật chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển liên quan đến năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng bức xạ, gió và sóng tại Việt Nam.

Nhằm triển khai thực hiện kết quả Hội nghị COP26, mục tiêu cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ xây dựng Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam. Báo cáo đã được gửi đến các bộ, ngành, địa phương để tham khảo, sử dụng tại Công văn số 2225/BTNMT-TCKTTV ngày 28/4/2022. Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo các đơn vị cập nhật và hoàn thiện Báo cáo đánh giá tiềm năng năng lượng bức xạ, gió và sóng tại Việt Nam.

Báo cáo lần này được xây dựng trên cơ sở kế thừa các kết quả của Báo cáo lần thứ nhất, bổ sung thông tin chi tiết hơn về tiềm năng gió ngoài khơi và cung cấp thêm các thông tin về phân bố tiềm năng gió và bức xạ trên đất liền tại Việt Nam. Báo cáo là tài liệu hữu ích để các bộ, ngành, địa phương tham khảo và sử dụng trong quá trình hoạch định, xây dựng và cập nhật chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển liên quan đến năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng bức xạ, gió và sóng tại Việt Nam.

Việt Nam là nước nằm trong vùng gió mùa Châu Á mạnh và ổn định nên tiềm năng năng lượng gió được đánh giá là rất dồi dào. Theo kết quả khảo sát của chương trình đánh giá về năng lượng cho Châu Á của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng gió trung bình so với các nước trên thế giới và trong khu vực nhưng thuộc diện lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360 MW, lớn gấp 200 lần công suất của nhà máy thuỷ điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện Việt Nam năm 2020.

Việt Nam cũng được đánh giá nằm ở một trong khu vực có nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời dồi dào nhất thế giới. Theo ước tính, khu vực giữa Biển Đông và khu vực ven bờ nam Trung Bộ có tổng năng lượng trực xạ và bức xạ tổng cộng khá lớn với tổng năng lượng trong khoảng 3.000 đến 5.000 Wh/m2/ngày.
Trong khi đó, Biển Đông là một khu vực biển hẹp so với đại dương nên không tồn tại trường sóng lừng liên tục trong năm như các vùng bờ biển phía đông Đại Tây Dương hoặc bờ biển phía Thái Bình Dương. Tuy nhiên, do nằm trên khu vực có hai chế độ gió mùa luân phiên nên được ban tặng cho nguồn tài nguyên năng lượng sóng phong phú nhất so với các nước trong khu vực.

Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi lần thứ nhất được công bố vào tháng 4/2022 đã bước đầu cung cấp các thông tin về phân bố tiềm năng năng lượng gió, sóng chi tiết tại các vùng biển của Việt Nam và trên khu vực biển Đông. Báo cáo tiềm năng năng lượng bức xạ, gió và sóng tại Việt Nam lần này được xây dựng trên cơ sở kế thừa các kết quả của Báo cáo lần thứ nhất, bổ sung thông tin chi tiết hơn về tiềm năng gió ngoài khơi và cung cấp thêm các thông tin về phân bố tiềm năng gió và bức xạ trên đất liền tại Việt Nam.

Báo cáo được xây dựng bởi Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Trung tâm Hải văn (Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam), và sự đóng góp quý báu của các chuyên gia: GS. TS Nguyễn Trọng Hiệu, PGS. TS Trần Việt Liễn; PGS. TS Vũ Thanh Ca, PGS. TS Nguyễn Minh Huấn.

Báo cáo đánh giá tiềm năng năng lượng bức xạ, gió và sóng tại Việt Nam là tài liệu hữu ích để các bộ, ngành địa phương tham khảo và sử dụng trong các hoạt động có liên quan.

Báo cáo đã tổng quan được các nghiên cứu về tiềm năng lượng bức xạ, gió và sóng cũng như việc khai thác và phát triển nguồn năng này trên thế giới và ở Việt Nam. Theo đó, đầu tư phát triển NLTT đã tăng mạnh trong những năm gần đây, trên toàn cầu đã tăng khoảng 14,1% trong năm 2016, tăng lên 29% vào năm 2020. Dự báo của Cơ quan quốc tế năng lượng tái tạo có thể tăng 28% vào năm 2030, 66% vào năm 2050; tỷ trọng đóng góp của năng lượng tái tạo đối với lĩnh vực năng lượng toàn cầu có thể đạt 57% vào năm 2030, 86% vào năm 2050. Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tài nguyên năng lượng gió tương đối dồi dào, đặc biệt là khu vực Biển Đông; năng lượng bức xạ được đánh giá dồi dào hơn ở phía Nam, cao nhất ở khu vực ven biển Nam Trung Bộ; năng lượng sóng vùng ven biển tập trung ở khu vực Trung Bộ (từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận).

Báo cáo được xây dựng dựa trên nguồn số liệu tại 186 trạm quan trắc khí tượng (tốc độ gió mực 10m, nhiệt độ tối cao, nhiệt độ tối thấp, số giờ nắng) cập nhật cho giai đoạn từ năm 1960-2020; số liệu quan trắc ngày đối với bức xạ tại 13 trạm trên cả nước cũng được thu thập trong giai đoạn 2012-2020; số liệu quan trắc sóng tại 17 trạm hải văn thời kỳ 2011-2020 và 01 điểm đo gió ở độ cao 50 m, sóng (Mỏ Bạch Hổ) thời kỳ 4 năm 2017-2020, cùng với số liệu tái phân tích ERA5, số liệu vệ tinh Himawari, số liệu đặc trưng bề mặt và số liệu mô phỏng từ các mô hình số trị độ phân giải cao.

Phương pháp nghiên cứu tính toán tiềm năng năng lượng bức xạ, gió và sóng được kết hợp cả 2 phương pháp tính theo công thức thực nghiệm và sử dụng mô hình số độ phân giải cao (lưới tính cho trường gió trên đất liền ở mực độ cao 10m là 1km x 1km), sử dụng kỹ thuật đồng hóa các số liệu nhằm tăng độ chính xác trong quá trình mô phỏng và số liệu đặc trưng bề mặt tính toán ngoại suy cho các mực độ cao khai thác gió từ 50 m, 100 m, 150 m và 200 m.
Kết quả đánh giá về tiềm năng năng lượng bức xạ, gió và sóng ở Việt Nam như sau:

Tổng tiềm năng năng lượng bức xạ đạt giá trị khoảng 1.500-1.600 kWh/m2/năm

Theo số liệu tính toán cho thấy, Việt Nam có tiềm năng năng lượng bức xạ dồi dào; phân hóa theo không gian: thấp hơn ở miền Bắc và cao hơn ở miền Nam, cao nhất ở ven biển Nam Trung Bộ-Bà Rịa Vũng Tàu; theo thời gian: thấp hơn vào các tháng mùa đông và cao hơn vào các tháng mùa hè. Trung bình cả nước, tổng tiềm năng năng lượng bức xạ đạt giá trị khoảng 1.500-1.600 kWh/m2/năm (tương ứng khoảng 4,0-4,5 kWh/m2/ngày), được đánh giá ở mức có tiềm năng khai thác từ hiệu quả đến hiệu quả cao.

i) Khu vực Tây Bắc: tổng tiềm năng trung bình khu vực đạt giá trị khoảng 1.600 kWh/m2/năm, cao hơn so với các vùng khí hậu thuộc Bắc Bộ. Tiềm năng năng lượng bức xạ của các tháng trong năm đều ở mức từ khả năng khai thác hiệu quả đến hiệu quả cao. Trong đó, tiềm năng cao nhất là từ tháng III đến tháng X, đặc biệt là vào thời kỳ từ tháng IV đến tháng VII. Theo số liệu viễn thám độ phân giải cao, nhiều điểm thuộc khu vực Tây Bắc có tiềm năng lượng bức xạ trên 1.500 kWh/m2/năm.

ii) Khu vực Đông Bắc: tổng tiềm năng trung bình khu vực đạt giá trị phổ biến khoảng 1.400 đến 1.500 kWh/m2/năm; có sự phân hóa khá rõ ràng theo không gian. Hầu hết các tháng trong năm đều có tài nguyên năng lượng bức xạ ở mức dồi dào, ở mức khả năng khai thác là hiệu quả cao; riêng vào các tháng mùa đông (tháng XII, I, II), tiềm năng năng lượng bức xạ ở mức thấp (dưới 3,2 Wh/m2/ngày).

iii) Khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ: tiềm năng năng lượng bức xạ ở khu vực này tương đương với khu vực Đông Bắc. Tuy nhiên, phân hóa theo không gian là tương đồng hơn so với khu vực Đông Bắc. Trung bình khu vực, tổng tiềm năng năng lượng bức xạ đạt giá trị phổ biến khoảng 1.400-1.500 kWh/m2/năm. Trong đó, hầu hết các tháng trong năm đều có tiềm năng năng lượng dồi dào, ở mức khả năng khai thác là hiệu quả cao; riêng vào các tháng mùa đông (tháng XII, I, II), tiềm năng năng lượng bức xạ ở mức thấp (dưới 3,2 Wh/m2/ngày).

iv) Khu vực Bắc Trung Bộ: tài nguyên năng lượng bức xạ ở khu vực này là khá dồi dào, tiềm năng năng lượng trung bình khu vực đạt giá trị khoảng 1.500 kWh/m2/năm; thấp hơn ở các tỉnh phía Bắc và cao hơn ở các tỉnh phía Nam; cao nhất ở tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Tại các tỉnh phía Bắc, tiềm năng năng lượng bức xạ cao đáng chú ý từ tháng III đến tháng XI (ở mức có tiềm năng khai thác hiệu quả đến hiệu quả cao), cao nhất vào tháng V-VIII; thấp nhất vào các tháng mùa đông (tháng XII, I-II). Tại các tỉnh phía Nam khu vực, tiềm năng năng lượng bức xạ dồi dào ở hầu hết các tháng, ở mức tiềm năng khai thác từ hiệu quả đến hiệu quả cao; riêng tháng XII, tiềm năng năng lượng bức xạ ở các địa phương này là tương đối thấp.

v) Khu vực Nam Trung Bộ: là khu vực có tiềm năng năng lượng bức dạ dồi dào nhất cả nước, với tiềm năng năng lượng bức xạ trung bình phổ biến trong khoảng 1.900 kWh/m2/năm đến 2.000 kWh/m2/năm, thậm chí theo số liệu viễn thám cho thấy nhiều điểm có tiềm năng trên 2.000 kWh/m2/năm. Đối với Hoàng Sa tiềm năng bức xạ dao động 1877 KWh/m2/năm và Trường Sa dao động 2000 KWh/m2/năm. Như vậy, tại khu vực Nam Trung Bộ, tiềm năng năng lượng bức xạ trong các tháng đều cao, có tiềm năng khai thác ở mức hiệu quả cao.

vi) Khu vực Tây Nguyên: có tiềm năng năng lượng bức xạ thấp hơn so với khu vực Nam Trung Bộ, phổ biến khoảng 1800 kWh/m2/năm đến 1900 kWh/m2/năm. Tại các tháng trong năm, tiềm năng năng lượng bức xạ đều ở mức dồi dào và có thể khai thác ở mức hiệu quả cao. Theo số liệu viễn thám cho thấy nhiều điểm có tiềm năng trên 1.900 kWh/m2/năm.
vii) Khu vực Nam Bộ: có tiềm năng năng lượng bức xạ tương đương khu vực Tây Nguyên, phổ biến khoảng 1800 kWh/m2/năm. Tại các tháng trong năm, tiềm năng năng lượng bức xạ đều ở mức dồi dào và có thể khai thác ở mức hiệu quả cao. Theo số liệu viễn thám cho thấy nhiều điểm có tiềm năng lớn hơn số liệu quan trắc.

Bên cạnh các kết quả tính toán tiềm năng năng lượng bức xạ từ số liệu thực đo tại các trạm quan trắc, thông tin tiềm năng năng lượng bức xạ từ số liệu viễn thám có ý nghĩa quan trọng cho các đánh giá ở quy mô nhỏ (tỉnh, huyện) phục vụ lập bản đồ quy hoạch và phát triển năng lượng vức xạ ở Việt Nam. Đặc biệt, thông tin viễn thám có độ phân giải cao có thể cung cấp thông tin chi tiết các khu vực có tiềm năng cao và đầu tư hiệu quả trong phát triển năng lượng tái tạo cũng như cung cấp dữ liệu đầu vào cho việc khai thác năng lượng khi vận hành.

Tài nguyên năng lượng gió tương đối dồi dào
Tiềm năng năng lượng gió trên đất liền: Trên đất liền, tài nguyên năng lượng gió tương đối dồi dào và có sự phân hóa mạnh theo không gian và thời gian; cao nhất ở vùng ven biển từ Bắc vào Nam, phía Nam của Bắc Trung Bộ và một số địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông). Phân bố theo không gian về tiềm năng năng lượng gió là khá tương đồng nhau, càng lên cao tiềm năng năng lượng gió càng lớn và vùng tiềm năng lớn được mở rộng hơn. Cụ thể:

i) Khu vực Đông Bắc chỉ có tiềm năng khai thác tại các độ cao trên 100 m tập trung ở tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn.

ii) Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ gió trung bình đạt khoảng 3-5 m/s nhưng đối với khu vực ven biển tỉnh Nam Định và Ninh Bình có thể đạt 5-7 m/s (từ tháng 1 đến tháng 7 và từ tháng 10 đến tháng 12). Tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, tiềm năng khai thác không liên tục quanh năm và cần xem xét khai thác ở các độ cao trên 100m như khu vực Đông Bắc.

iii) Khu vực ven biển Bắc Trung Bộ, gió trung bình thuộc tỉnh Hà Tĩnh giáp tỉnh Quảng Bình đạt 5-7 m/s và tập trung trong các tháng 6, 7, 11, 12. Tại khu vực Hà Tĩnh, các tháng 11 và tháng 12 là thời điểm có khả năng khai thác nhất về tiềm năng năng lượng gió.

iv) Khu vực Trung Trung Bộ có gió trung bình đạt 5-7 m/s (tập trung trong các tháng 6 đến tháng 8, tháng 11 và tháng 12 tại Quảng Bình, Quảng Trị, ven biển tỉnh Quảng Nam) có tiềm năng khai thác mạnh nhất. Lưu ý riêng đối với đặc điểm gió mạnh (> 7 m/s-8 m/s) ở khu vực Trung Trung Bộ tập trung vào phía Tây tiếp giáp với Lào của khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

v) Khu vực Nam Trung Bộ có gió trung bình đạt 5-7 m/s tập trung ở ven biển và có tiềm năng khai thác rất lớn.

vi) Khu vực Tây Nguyên, gió trung bình đạt 5-7 m/s (phổ biến ở các tháng 1, 2, 6, 7, 8, 11, 12) và có tiềm năng khai thác hầu hết các tháng trong năm. Lưu ý, riêng đối với đặc điểm gió mạnh (> 7 m/s-8 m/s) tập trung ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai.

vii) Khu vực Nam Bộ nói chung và riêng cho khu vực Đông Nam Bộ, gió trung bình đạt khoảng 5-7 m/s (tập trung vào các tháng 1 đến tháng 4, tháng 11, tháng 12). Khả năng khai thác tiềm năng năng lượng gió ở khu vực Đông Nam Bộ tập trung vào các tháng 1 đến tháng 3, tháng 11 và tháng 12.

Đánh giá tổng thể có thể thấy khu vực Trung Trung Bộ (Quảng Bình và Quảng Trị, trung bình khoảng 150-250 W/m2), Nam Trung Bộ (các tỉnh ven biển, 180-280 W/m2) và khu vực Tây Nguyên (Kon Tum, Gia lai và Đắk Lắk, 200-300 W/m2) là những khu vực trọng tâm để khai thác tiềm năng gió trên đất liền. Ngoài ra là khu vực ven biển từ Thái Bình đến Thanh Hóa và miền Đông Nam Bộ (100-150 W/m2) nhưng điểm hạn chế là không thực sự có sự liên tục trong năm. Đối với việc khai thác ở các độ cao trên 150 m-200 m, đặc biệt phù hợp với việc triển khai ở phía Bắc, các bản đồ tiềm năng năng lượng gió trên đất liền cho thấy khả năng khai thác được rất lớn và cần xem xét về khả năng thi công, mức độ đáp ứng về mặt kỹ thuật và thiết lập các nhà máy khai thác ở những độ cao này.

Tiềm năng năng lượng gió ngoài khơi:
Ở các độ cao 100 m các vùng biển có tiềm năng năng lượng gió tốt nhất là Bắc Biển Đông, ven bờ Bình Định-Ninh Thuận, Bình Thuận-Cà Mau và một phần vùng biển trung tâm vịnh Bắc Bộ. Đặc biệt, tiềm năng gió đạt ở mức tốt đến rất tốt ở khu vực biển Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu, với tốc độ gió trung bình năm từ 8 đến 10 m/s, mật độ năng lượng trung bình năm phổ biến từ 500 đến trên 700 W/m2. Cụ thể:

i) Vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ: Hướng gió chủ đạo là hướng Đông đến Đông Bắc. Trung bình năm, tốc độ gió từ 6-8 m/s, mật độ năng lượng gió khoảng 200-500 W/m2.

ii) Vùng biển Nam vịnh Bắc Bộ: Hướng gió chủ đạo là hướng Đông và Đông Đông Nam. Trung bình năm, tốc độ gió từ 6-8 m/s, mật độ năng lượng gió khoảng 200-500 W/m2.

iii) Vùng biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi: Hướng gió chủ đạo là hướng Đông. Trung bình năm, tốc độ gió từ 6-8 m/s, mật độ năng lượng gió phổ biến từ 200-400 W/m2.

iv) Vùng biển Bình Định đến Ninh Thuận: Hướng gió chủ đạo là hướng Bắc đến Đông Đông Bắc. Trung bình năm, tốc độ gió từ 7-9 m/s, mật độ năng lượng gió phổ biến từ 300-600 W/m2.

v) Vùng biển Bình Thuận đến Cà Mau: Hướng gió chủ đạo là hướng Bắc Đông Bắc đến Đông. Trung bình năm, tốc độ gió từ 7-10 m/s và mật độ năng lượng gió khoảng 300-700 W/m2.

vi) Vùng biển Cà Mau đến Kiên Giang: Hướng gió chủ đạo là hướng Đông đến Đông Đông Nam. Trung bình năm, tốc độ gió từ 5-7 m/s, mật độ năng lượng từ 100-300 W/m2.

Ở các vùng biển phía Bắc, thời gian có có thể khai thác tiềm năng năng lượng gió tốt nhất (tốc độ gió trung bình ≥ 8 m/s) là từ tháng 10 đến tháng 2 ở vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ; từ tháng 11 đến tháng 1 ở các vùng biển Nam vịnh Bắc Bộ, Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Ở các vùng biển phía Nam, tốc độ gió cũng như mật độ năng lượng gió có sự phân hoá theo mùa. Tốc độ gió/mật độ năng lượng gió trong các tháng chính mùa hoạt động của gió mùa đông và mùa hè lớn hơn các tháng chuyển tiếp; trong đó trị số trong mùa đông lớn hơn nhiều so với mùa hè ở các vùng biển Bình Định đến Ninh Thuận, Bình Thuận đến Cà Mau và không có sự chênh lệch nhiều giữa hai mùa ở vùng biển Cà Mau đến Kiên Giang. Thời gian nên khai thác tiềm năng năng lượng gió tốt nhất ở các vùng biển Bình Định đến Ninh Thuận, Bình Thuận đến Cà Mau là từ tháng 11 đến tháng 2, với tốc độ gió trung bình trên 8 m/s và mật độ năng lượng gió phổ biến trên 500 W/m2.

Ở các mực độ cao 150 và 200 m, phân bố không gian mật độ năng lượng gió trên các vùng biển ven bờ tương tự mực 100 m, trị số cao có xu hướng lệch về phía nam hơn. Mật độ năng lượng gió tại các mực 150 m, 200 m xấp xỉ mực 100 m ở các vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ, Nam vịnh Bắc Bộ, Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Cà Mau đến Kiên Giang; và cao hơn không nhiều ở các vùng biển Bình Định đến Ninh Thuận (300-700 W/m2), Bình Thuận đến Cà Mau (300-800 W/m2).

Năng lượng sóng lớn nhất tập trung ở khu vực Trung Bộ (từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận); ven biển Bắc Bộ và Nam Bộ
Kết quả tính toán năng lượng sóng trung bình nhiều năm cho thấy khu vực có tiềm năng năng lượng sóng > 2 kW/m bao phủ toàn bộ vùng Biển Đông, ngoại trừ khu vực vịnh Thái Lan; khu vực có tiềm năng năng lượng > 10 kW/m trải rộng từ phía Bắc đến giữa Biển Đông và kéo dài đến ngoài khơi khu vực Nam Trung Bộ; khu vực có tiềm năng năng lượng cao nằm ở eo Luzon.

Trong mùa Đông, gió mùa Đông Bắc tạo ra vùng năng lượng sóng khá mạnh trên vùng bắc và giữa Biển Đông, nhất là trong tháng 12 với tiềm năng năng lượng lớn nhất tới 70 kW/m. Vùng bờ biển miền Trung Việt Nam từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận năng lượng sóng lớn nhất khoảng 50-60 kW, với tần suất xuất hiện ngưỡng “tiềm năng trung bình” tới trên 60% và ngưỡng “tiềm năng cao” tới 40%, do vậy đây sẽ là khoảng thời gian khai thác năng lượng sóng thuận lợi nhất trong năm. Trong mùa gió Tây Nam, do tốc độ gió không mạnh bằng gió mùa đông bắc và khu vực ảnh hưởng cũng hạn chế ở vùng phía nam Biển Đông nên tiềm năng năng lượng sóng về cơ bản không lớn. Năng lượng sóng cực đại trong mùa này chỉ đạt khoảng 25 kW/m xảy ra vào các tháng 7 và tập trung tại khu vực ngoài khơi phía đông nam Biển Đông.

Tiềm năng năng lượng sóng vùng ven biển Việt Nam thông qua số liệu trích xuất tại 20 điểm ven bờ và các trạm hải văn cũng cho thấy vùng có năng lượng sóng lớn nhất tập trung ở khu vực Trung Bộ (từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận); ven biển Bắc Bộ và Nam Bộ có tiềm năng thấp hơn; bắc vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang là hai khu vực có tiềm năng năng lượng sóng thấp nhất.

Nguồn số liệu sử dụng trong Báo cáo đã được kiểm nghiệm thống kê, trong khi đó các phương pháp sử dụng là những phương pháp thực nghiệm đã được công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế, do đó kết quả của Báo cáo có thể đảm bảo được độ tin cậy nhất định. Tuy nhiên, số liệu quan trắc còn hạn chế và các kết quả sử dụng trong Báo cáo mới chỉ được tính toán dưới dạng tiềm năng lý thuyết. Để tính toán tiềm năng kỹ thuật hoặc tiềm năng khai thác (dạng tài nguyên) cần thiết phải tiến hành điều tra, khảo sát, bổ sung nguồn số liệu về năng lượng bức xạ, gió, sóng tại một khu vực cụ thể.

Cần thiết phải có các chế tài để quản lý nguồn tài nguyên năng lượng tái, tạo, đặc biệt đối với các nguồn tài nguyên năng lượng như bức xạ, gió và sóng

Trong bối cảnh BĐKH hiện nay, đặc biệt là sau thỏa thuận Paris về BĐKH và thỏa thuận Net-ZERO tại Hội nghị COP26, năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng gió nói riêng được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhất nhằm giảm BĐKH toàn cầu. Quán triệt quan điểm và chỉ đạo thống nhất của Đảng, của Bộ Chính trị về ứng phó với BĐKH, hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo thay thế nguồn năng lượng hiện có đang cạn kiệt, Ngành Khí tượng Thủy văn sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng để nghiên cứu, mang lại những sản phẩm thiết thực, phục vụ trực tiếp xã hội.

Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi lần thứ nhất được công bố vào tháng 4/2022 đã bước đầu cung cấp các thông tin về phân bố tiềm năng năng lượng gió, sóng chi tiết tại các vùng biển của Việt Nam và trên khu vực biển Đông. Báo cáo tiềm năng năng lượng bức xạ, gió và sóng tại Việt Nam lần này được xây dựng trên cơ sở kế thừa các kết quả của Báo cáo lần thứ nhất, bổ sung thông tin chi tiết hơn về tiềm năng gió ngoài khơi và cung cấp thêm các thông tin về phân bố tiềm năng gió và bức xạ trên đất liền tại Việt Nam. Báo cáo là tài liệu hữu ích để các bộ, ngành, địa phương tham khảo và sử dụng trong xây dựng quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động có liên quan.

Tuy nhiên, việc tính toán chi tiết bức xạ, gió và sóng tại từng địa phương hoặc từng khu vực cụ thể đòi hỏi cần có nhiều thông tin đầu vào hơn nữa, đặc biệt là các thông tin về số liệu quan trắc gió trên cao và số liệu đặc trưng bề mặt địa hình. Trong khi đó, hệ thống quan trắc của ngành Khí tượng Thủy văn thường tập trung vào chế độ gió sát bề mặt (mực 10 m), do đó những quan trắc gió ở các mực khai thác năng lượng gió (50 m, 100 m, 200 m, ...) cần có những bổ sung bao gồm các quan trắc mang tính chất chuyên đề và quan trắc liên tục.

Trong thời gian tới, để kết quả tính toán tiềm năng năng lượng gió và bức xạ mặt trời có thể sử dụng hiệu quả hơn nữa cho các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế tại từng khu vực cụ thể cần thiết phải triển khai các nhiệm vụ và giải pháp như sau: (1) Tận dụng tối đa các nguồn dữ liệu quan trắc, phân tích chi tiết của Việt Nam bao gồm các quan trắc khí tượng mật độ cao, các dữ liệu cập nhật-phân giải cao về lớp thảm phủ thực vật và lớp đất sử dụng (land-use), qua đó phản ảnh tối đa được thông tin bề mặt trong quá trình mô phỏng và xây dựng bản đồ tiềm năng gió phân giải cao cho toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. (2) Thực hiện khảo sát, quan trắc bổ sung nhất là tại những khu vực có tiềm năng lớn về khai thác năng lượng gió, bức xạ mặt trời nhưng số liệu quan trắc còn hạn chế. (3) Xây dựng mô hình độ số trị phân giải cao cùng với áp dụng kỹ thuật đồng hóa dữ liệu, cập nhật số liệu mới (địa hình, khí quyển), kiểm chứng và hiệu chỉnh với các nguồn số liệu (quan trắc truyền thống và phi truyền thống), qua đó thực hiện mô phỏng nhiều năm gió và tiềm năng gió, chế độ bức xạ và tiềm năng khai thác năng lượng bức xạ. (4) Xây dựng cơ sở dữ liệu số và thành lập các bản đồ số tiềm năng chi tiết cho từng khu vực. Các sản phẩm được công bố, cập nhật trên Trang thông tin điện tử phục vụ các đối tượng có nhu cầu sử dụng. (5) Xác định tiềm năng tối đa và hữu dụng năng lượng gió, mặt trời chi tiết cho từng khu vực và thời kỳ trong năm. (6) Đánh giá ảnh hưởng của thiên tai, sử dụng đất (bão, gió mạnh, lốc, sét, sóng, nước biển dâng, dòng chảy nguy hiểm, lũ quét, sạt lở đất và môi trường) đối với các khu vực có tiềm năng khai thác năng lượng gió, mặt trời. (7) Về lâu dài, nhằm phục vụ phát triển bền vững và vận hành hiệu quả cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo, cần phát triển các công cụ tích hợp sản phẩm dự báo mô hình, quan trắc vệ tinh, radar để thiết lập các sản phẩm chuyên về cảnh báo thiên tai, dự báo tác động phục vụ công tác sản xuất năng lượng tái tạo; phát triển sản phẩm dự báo năng lượng gió, sóng thời gian thực dựa trên công nghệ mô hình số trị phục vụ công tác sản xuất năng lượng tái tạo.
Ngành Khí tượng Thủy văn nhận thấy cần thiết phải có các chế tài để quản lý nguồn tài nguyên năng lượng tái, tạo, đặc biệt đối với các nguồn tài nguyên năng lượng như bức xạ, gió và sóng đã được kiểm chứng là có khả năng khai thác, hữu dụng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước và coi đây là cơ hội cho phát triển công nghệ và công nghiệp năng lượng mới, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP6 với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050.

Dương Đình Tuyển (St)

Tin khác