Tin hoạt động VHO

Công tác thủy đạc trong thực thi Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 

Đăng 23/07/2021; xem 428 lượt;

Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea hay UNCLOS) năm 1982, được thông qua ngày 30/4/1982 đánh dấu kết quả của 9 năm đàm phán của Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 của Liên hợp quốc (từ năm 1973 đến năm 1982) nhằm xây dựng một văn kiện pháp lý quốc tế mới về biển và đại dương, phù hợp với lợi ích chung của các quốc gia.

UNCLOS 1982 được coi như “Hiến pháp về biển và đại dương”, gồm 17 phần, 320 điều và 9 phụ lục, quy định một cách toàn diện về quy chế pháp lý của các vùng biển cũng như các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia dù có biển hay không có biển hoặc gặp bất lợi về mặt địa lý trong việc sử dụng, khai thác và quản lý biển và đại dương. Văn kiện này không chỉ kế thừa các điều ước quốc tế về biển trước đó mà còn pháp điển hóa các quy định mang tính tập quán quốc tế cũng như những xu hướng phát triển mới của việc sử dụng và khai thác biển và đại dương.

Theo Tổ chức thủy đạc quốc tế (IHO), thủy đạc là ngành khoa học ứng dụng giải quyết các vấn đề kỹ thuật trong đo đạc và mô tả đặc điểm vật lý của biển, đại dương cũng như dự báo sự thay đổi của chúng theo thời gian, với mục đích cơ bản phục vụ an toàn hàng hải và hỗ trợ những hoạt động trên biển, phát triển kinh tế, an toàn an ninh biển, nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường. Hiện nay, công tác khảo sát thủy đạc đang phục vụ đắc lực trong việc hiện thực hóa và thi hành các nội dung, điều khoản được quy định tại UNCLOS 1982. Thông qua các hoạt động khảo sát, đo đạc và thành lập hải đồ đã hỗ trợ tích cực cho UNCLOS 1982 trong việc xử lý các vấn đề kỹ thuật, bao gồm: Xác định phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia ven biển, kể cả quốc gia quần đảo (đường cơ sở, nội thủy, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa); phân định ranh giới vùng biển chồng lấn giữa các quốc gia liền kề và đối diện; xác định ranh giới ngoài thềm lục địa vượt quá 200 hải lý; phục vụ công tác khai thác tài nguyên biển và đặt dây cáp, ống cáp ngầm dưới biển; triển khai công tác an toàn, an ninh hàng hải; thực thi pháp luật trên biển và bảo vệ môi trường biển.

Ở Việt Nam, công tác khảo sát, đo đạc phục vụ đắc lực cho việc hoạch định các vùng biển chồng lấn, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế quốc dân, nổi bật là: Phối hợp triển khai đo đạc khảo sát, xác định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam theo UNCLOS 1982, cung cấp căn cứ pháp lý phục vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và những lợi ích quốc gia trong những khu vực biển chồng lấn, tranh chấp ở Biển Đông; giải quyết các vấn đề về phân định trên biển (Phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc; phân định vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Căm-pu-chia; phân định vùng đặc quyền kinh tế với In-đô-nê-xia, Thái Lan…); xác định ranh giới ngoài thềm lục địa vượt quá 200 hải lý, đệ trình lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc; triển khai các hoạt động phát triển kinh tế biển và bảo đảm an toàn an ninh trên vùng biển Việt Nam.

UNCLOS 1982 có tầm quan trọng không thể phủ nhận trong đời sống pháp luật quốc tế hiện nay. Văn kiện này đã thực sự trở thành căn cứ pháp lý vững chắc để xác định quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven biển và xử lý các vấn đề liên quan đến biển và đại dương. Trong tương lai, công tác thủy đạc tiếp tục là công cụ đắc lực để triển khai và cụ thể hóa các nội dung của UNCLOS 1982, đặc biệt trong việc hoạch định các vùng biển và giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển.

Trung tá Trần Văn Hiếu, Phó trưởng phòng Hàng hải - Bản đồ

Tin khác