Khoa học - Công nghệ |
ĐIỂM DỊ THƯỜNG CỦA BÃO SỐ 9 NĂM 2021 VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA BÃO ĐẾN VIỆT NAM |
|
Đăng 21/12/2021; xem 942 lượt; | |
Bão số 9 (có tên quốc tế là Rai) được hình thành ở Tây Thái Bình Dương, đi vào Biển Đông chiều ngày 17/12/2021. Trưa và chiều ngày 18/12/2021 bão đi qua khu vực đảo Song Tử Tây (thuộc Quần đảo Trường Sa) với sức gió cấp 14, giật cấp 17, rồi tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc tốc độ 15-20 km/giờ và mạnh lên cấp 15, giật trên cấp 17 khi tiến gần đến vùng biển Phú Yên –Khánh Hòa. Ngày 19-20/12/2021, Bão số 9 chuyển hướng Bắc đi dọc bờ biển Miền Trung lên khu vực Quần đảo Hoàng Sa, cường độ giảm xuống cấp 10-11, giật cấp 13, sau chuyển theo hướng Đông Bắc và suy yếu trên vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông (Hình 1). Theo thống kê của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, từ năm 1951 đến năm 2021, khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương hứng chịu 100 cơn bão trong tháng 12 nhưng đa số ở ngoài Biển Đông. Có 42 cơn bão vào Biển Đông thì di chuyển chủ yếu hướng xuống phía Nam, rất ít cơn đi lên phía Bắc và đường đi giống cơn Bão số 9 thì chưa từng xuất hiện (Hình 2). Mặt khác dù hoạt động vào cuối mùa nhưng Bão số 9 vẫn duy trì cường độ mạnh tới cấp 14-15, giật trên cấp 17 sau khi vào Biển Đông. Vì vậy cơn bão số 9 được đánh giá là dị thường cả về quỹ đạo di chuyển, cường độ lẫn thời điểm xuất hiện.
Nguyên nhân sự dị thường về quỹ đạo di chuyển của Bão số 9 là do dòng dẫn đường trên cao của áp cao cận nhiệt đới (ACCNĐ). Cụ thể, thời điểm bão mới đi vào Biển Đông, ACCNĐ đang hoạt động mạnh, tạo thành dòng dẫn để bão đi nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, tiến gần đến đất liền các tỉnh miền Trung. Từ ngày 19/12, ACCNĐ bắt đầu suy yếu và rút dần ra phía Đông, vì vậy bão đi lên phía bắc theo rìa phía Tây của ACCNĐ. Từ ngày 20/12 bão đi theo rìa phía Tây Bắc của ACCNĐ đi lên phía Đông Bắc Biển Đông (Hình 3). Một yếu tố nữa là đợt không khí lạnh (KKL) ảnh hưởng đến nước ta từ chiều ngày 17/12/2021 có cường độ không quá mạnh và không lấn sâu xuống Trung Bộ. Trên trường khí áp khu vực Biển Đông ta thấy các đường đẳng áp không quá dốc, vị trí đường 1020mb chỉ xuống đến khu vực Vịnh Bắc Bộ (Hình 4), chính vì thế tác động của KKL đến Bão số 9 không đủ để đẩy bão đi xuống phía nam hoặc làm cho bão suy yếu nhanh. Khi Bão số 9 đi vào Biển Đông ngày 17-18/12/2021, các khu vực biển Giữa và Nam Biển Đông có nền nhiệt trung bình 27-280C (Hình 5), đây là điều kiện lý tưởng để bão phát triển. Vì vậy cường độ bão đã mạnh thêm một cấp khi hoạt động ở dưới vĩ tuyến 130Bắc. Chỉ đến khi di chuyển lên phía Bắc cường độ bão mới suy yếu dần và suy yếu nhanh khi vào khu vực Cửa Vịnh Bắc Bộ và Bắc Biển Đông, nơi mà có nền nhiệt thấp khoảng 22-230C và không khí khô do KKL tác động (Hình 6). Do ảnh hưởng của Bão số 9, ở Trạm Quan trắc Khí tượng đảo Song Tử Tây nơi mà tâm bão đi qua đã đo được gió cấp 14, giật cấp 17. Đây là số liệu gió lớn nhất quan trắc được trong lịch sử quan trắc của trạm này. Bão số 9 đã gây thiệt hại cho các đảo khu vực phía Bắc thuộc Quần đảo Trường Sa, nhất là đảo Song Tử Tây: Gió bão đã làm gãy 2 cột đo gió; 90% cây xanh bị gãy đổ (Hình 7); 27 tấm pin mặt trời hư hỏng; tốc mái 500m2… Tuy nhiên, do thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai nên không có thiệt hại về người và phương tiện, tàu thuyền. Đối với khu vực ven biển các tỉnh Nam Trung Bộ, hoàn lưu Bão số 9 đã gây gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8 trên đất liền; Đảo Lý Sơn đã có gió cấp 8-9, giật cấp 10. Hoàn lưu bão cũng gây mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to cho các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên với lượng phổ biến 50-100mm, có nơi trên 100mm. Lượng mưa tính từ 19h ngày 18/12 đến 13h ngày 19/12 như: Phổ Khánh (Quảng Ngãi) 195.2mm, Phổ Thạnh (Quảng Ngãi) 173.6mm, Tam Trà (Quảng Nam) 106.8mm, Hoài Sơn (Bình Định) 168.8mm, Cát Hưng (Bình Định) 142mm. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, bão số 9 đã khiến 1 người thiệt mạng tại tỉnh Bình Thuận (bị lật thuyền thúng do sóng to khi di chuyển ra tàu cá neo đậu ở ven bờ). Về tàu thuyền, có 5 tàu cá bị chìm và 3 tàu cá hư hỏng tại nơi neo đậu sát bờ (Bình Thuận); nhiều lồng, bè nuôi tôm bị thiệt hại tại Khánh Hòa; nhiều cây xanh bị đổ gãy và nhiều diện tích hoa màu của nhân dân bị phá hủy gây thiệt hại nặng cho các địa phương chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão đi qua (Hình 8). Bão số 9 là một cơn bão rất mạnh, có quỹ đạo di chuyển không theo quy luật xuất hiện vào cuối mùa bão đã gây thiệt hại rất lớn cho các đảo khu vực phía Bắc thuộc Quần đảo Trường Sa, nhất là đảo Song Tử Tây và các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ. Số liệu gió cấp 14, giật cấp 17 thu được ngày 18/12/2021 khi tâm bão đi qua tại Trạm quan trắc Khí tượng Song Tử Tây cũng là số liệu lớn nhất trong lịch sử quan trắc tại trạm này, nó có ý nghĩa rất lớn trong việc đánh giá điều kiện khí hậu khu vực Biển Đông và Quần đảo Trường Sa từ đó có những phương án trong thích ứng và phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế quốc phòng. Bão số 9 là cơn bão dị thường cả về quỹ đạo di chuyển, cường độ lẫn thời gian xuất hiện, đây là hệ quả của sự biến đổi khí hậu đang tác động đến toàn cầu và trong đó có Việt Nam. Dương Đình Tuyển-Phòng Hàng Hải-Bản đồ/BTMHQ
|
Tin khác
- THÔNG TIN KHÔNG - THỜI GIAN LÀ HẠ TẦNG THÔNG TIN CHO PHÁT TRIỂN THẾ HỆ CÔNG NGHỆ THỨ TƯ (19:20, 13/09/2021)
- Nghiên cứu xác định độ cao gốc quốc gia khu vực Nam Bộ (08:24, 14/09/2021)
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về đo đạc và bản đồ (08:26, 14/09/2021)
- Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (00:00, 04/05/2021)
- HIỆN TƯỢNG NẮNG NÓNG, CƠ CHẾ HÌNH THÀNH VÀ SỰ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆT NAM (00:00, 23/06/2021)